Dự kiến hơn 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết mới của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đối với gói giải pháp chính sách hỗ trợ mới đang được Chính phủ hoàn thiện, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra chiều 29/6/2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 là hơn 26.000 tỷ đồng. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ (NQ 42).

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do. Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, ngoài ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bộ Giao thông vận tải đề xuất với Bộ Tài chính việc giãn, hoãn đóng phí bảo trì đường bộ đối với doanh nghiệp bưu chính, vận tải, taxi…; tiếp tục giảm phí, giá hỗ trợ ngành vận tải, hàng không…

Trước đó, ngày 25/6, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Chính trị nhận định các đợt dịch Covid-19 trong năm ngoái và năm nay có diễn biến rất phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, khiến việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện NQ 42 và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. Chủ trương hỗ trợ với nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề