Dư địa không nhiều, cần nới room tín dụng có chọn lọc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 5 tháng, tăng trưởng tín dụng đã vượt ngưỡng 8% trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Dư địa 6% tăng trưởng tín dụng còn lại cho 7 tháng cuối năm là khá hạn hẹp trong bối cảnh cần đẩy mạnh nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cần bổ sung tín dụng để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất.
Đến 31/5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Đến 31/5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tại Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 31/5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Về tình hình cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến tháng 4/2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của TCTD đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Theo NHNN, năm 2022, sức ép tăng trưởng tín dụng lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố: đầu tư công giải ngân còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng; việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 - 2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng và tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cao khiến công tác điều hành tín dụng gặp nhiều thách thức.

Với áp lực lạm phát thời gian tới khá lớn, NHNN sẽ theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo NHNN, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.

Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… bảo đảm tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nhiều TCTD đã sử dụng gần hết chỉ tiêu (room) tín dụng do NHNN giao. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cho thấy nền kinh tế khởi sắc sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu điều hành của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do vậy, chủ trương nới room phải trên cơ sở phân tích đánh giá thận trọng, linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, 2 năm trước, tăng trưởng kinh tế rất thấp, ở mức dưới 3%, tăng trưởng tín dụng trên 13%. Năm nay, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% cùng việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, tăng trưởng tín dụng khó có thể ở mức 14%, nhiều khả năng vượt mức 15%.

“Trước hết cần tính mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với bối cảnh mới, cân đối với các chỉ số kinh tế, đặc biệt là lạm phát và tăng trưởng. Đồng thời, tính phương án phân bổ tín dụng hợp lý. Theo đó, ngân hàng nào có chất lượng hoạt động tốt thì mở thêm room, ngân hàng nào hoạt động chưa hiệu quả có thể điều chuyển room cho ngân hàng khác”, ông Ánh nhấn mạnh.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc điều hành tín dụng những tháng còn lại của năm nay quả là bài toán khó bởi phải cân đong đo đếm nhiều yếu tố, đặc biệt là áp lực lạm phát hiện hữu.

“Trong bối cảnh nhiều áp lực và rủi ro khiến dư địa tăng tín dụng không lớn, nên chú trọng chất lượng tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mục tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần tiếp tục nắn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng phát triển kinh doanh, đẩy mạnh các nguồn lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ thay vì trông chờ quá lớn vào hoạt động tín dụng”, ông Linh nhấn mạnh.

Chuyên đề