Dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên: 8/8 gói thầu chậm tiến độ, đề xuất gia hạn khoản vốn vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo cập nhật của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hàng loạt gói thầu thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đang bị chậm tiến độ. Theo đó, việc hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng này vào ngày 30/6/2023 là không khả thi, buộc phải xin ý kiến của nhà tài trợ về việc gia hạn dự án.
Theo cập nhật của Bộ GTVT, hàng loạt gói thầu thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đang bị chậm tiến độ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Theo cập nhật của Bộ GTVT, hàng loạt gói thầu thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đang bị chậm tiến độ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Sản lượng thi công mới đạt 40%

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, tính đến tháng 4/2023, sản lượng thi công dự án mới đạt 40,2%, chậm khoảng 7,8% so với kế hoạch.

Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp lớn, đều được triển khai thi công vào quý cuối năm 2021. Chẳng hạn, Gói thầu XL-03 Thi công xây dựng đoạn Km67+00 - Km70+740, đoạn Km83+600-Km90 bao gồm 2 cầu Tà Lý, Thầu Dầu do Liên danh Công ty CP Thành An - Công ty CP Xây dựng Tổng hợp Quảng Trị thực hiện (giá trúng thầu 135.221.324.000 đồng), thời gian thực hiện 23 tháng. Gói thầu XL-04A Thi công xây dựng đoạn Km131+300 - Km155 bao gồm 3 cầu Linh Nham, Vàng, Lệ Cần thuộc về Liên danh Công ty TNHH Hợp Tiến - Công ty CP Vinadelta với giá 276.049.832.763 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. Gói thầu XL-01 Thi công xây dựng Km50+150 - Km67 bao gồm 2 cầu Bàu Sen, Ba La được trao cho Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C với giá 569.533.756.000 đồng, thời gian thi công 13 tháng.

Theo Bộ GTVT, hiện giá trị thực hiện của Gói thầu XL-01 mới đạt hơn 17%. “Đây là gói thầu ký hợp đồng sau cùng, có sản lượng thấp, ảnh hưởng nặng nề bởi thiếu mặt bằng”, Bộ GTVT cho biết. Trao đổi với phóng viên, đại diện Nhà thầu Trung Nam 18 E&C cho biết, họ rất bị động do địa phương chưa bàn giao mặt bằng. Tại Gói thầu XL-03, cập nhật tiến độ cho thấy giá trị thực hiện đến nay đạt 45%, chậm 11,3% so với kế hoạch. Đối với Gói thầu số XL-04A, giá trị thực hiện đến nay mới đạt 33% chậm so với tiến độ theo hợp đồng.

Trong khi đó, loạt gói thầu khác của Dự án đều có giá trị thực hiện chưa tới 50% dù thời gian thực hiện hợp đồng kết thúc vào 30/6/2023. Có thể kể đến Gói thầu XL-02 đạt 34,8% chậm 1,8 % so với kế hoạch; Gói thầu số XL-05, khối lượng thực hiện mới đạt 39%; Gói thầu XL-06 đạt 42%; Gói thầu XL-07 đạt 29%; Gói thầu XL-04B đạt 34%.

Xin gia hạn thời gian hoàn thành

Theo chia sẻ của Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ GTVT, cả 8 gói thầu xây lắp của Dự án đều gặp nhiều khó khăn khi triển khai thi công. Nhiều gói thầu hoàn thành lựa chọn nhà thầu từ giữa năm 2021, nhưng đến cuối năm mới được khởi công do dịch bệnh. “Việc huy động thiết bị, nhân sự, người lao động thời điểm sau dịch gặp rất nhiều khó khăn. Kể cả đội ngũ của tư vấn giám sát, Chủ đầu tư”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Ngoài ra, 8 gói thầu triển khai thi công trên phạm vi rộng, qua nhiều địa phương, công tác bàn giao mặt bằng từ địa phương không đồng bộ. “Chủ đầu tư, nhà thầu thi công rất bị động trong việc tiếp nhận mặt bằng. Tại một số gói thầu, các bên đều mất nhiều thời gian để có được mặt bằng thi công. Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Gia Lai, 2 huyện Chư Prông, Đak Pơ và TP. Pleiku đều chưa hoàn tất việc giao mặt bằng cho nhà thầu. Thậm chí có địa bàn do vướng mặt bằng, nhà thầu không thể huy động phương tiện, tập kết vật liệu”, Chủ đầu tư thông tin thêm.

Đại diện một số nhà thầu chia sẻ, việc tiếp cận các nguồn vật liệu trên địa bàn Tây Nguyên cực kỳ khó khăn. “UBND các tỉnh trong khu vực đồng loạt xiết chặt, rà soát thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu (cát, đất, đá). Đồng thời, tạm ngưng việc gia hạn cấp phép các mỏ vật liệu. Nhà thầu tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí phải tìm đến các mỏ ở khu vực khác, khiến chi phí phát sinh rất lớn”, một nhà thầu cho biết.

Trước tình hình thi công chưa đáp ứng tiến độ của loạt gói thầu xây lắp thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Nhà tài trợ - Ngân hàng Thế giới cho phép gia hạn hiệp định vay thêm 22 tháng, điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2023 sang năm 2025.

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án là bất khả kháng, dù biết sẽ có nhiều hệ lụy. Mới đây, Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu trực tiếp thi công Gói thầu XL-03; Gói thầu XL-04B; Gói thầu XL-05; Gói thầu XL-06 và Gói thầu XL-07 huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị, tăng cường ca kíp để về đích vào năm 2023. Đồng thời, Chủ đầu tư kiên quyết mạnh tay xử lý đối với nhà thầu thi công chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến toàn dự án.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề