Dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi: Trắc trở và dang dở trăm bề

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng. Quá trình triển khai Dự án bị ảnh hưởng lớn bởi vụ việc tư vấn JTC của Nhật Bản đưa hối lộ và đến nay vẫn dừng ở bước giải phóng mặt bằng. Dự án khởi động bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, rồi được trả về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và mới đây Bộ GTVT làm thủ tục bàn giao lại cho UBND TP. Hà Nội.
Hiện, Dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa triển khai thi công gói thầu nào ngoài hiện trường. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện, Dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa triển khai thi công gói thầu nào ngoài hiện trường. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo dự kiến ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017, do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Từ tháng 11/2014, Dự án được giao lại cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư và được phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2024.

Lũy kế giải ngân từ đầu Dự án đến nay là 2.154,5 tỷ đồng, nhưng nhiều năm qua, Dự án “đắp chiếu” và không giải ngân thêm được đồng nào. Nhiều chuyên gia quan ngại không biết đến khi nào Dự án mới được tái khởi động.

Bộ GTVT cho biết, Dự án do Liên danh tư vấn JKT gồm 8 công ty (có 5 công ty Nhật Bản và 3 công ty Việt Nam) lập thiết kế kỹ thuật. Trong đó Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) bị cáo buộc hối lộ 6 cán bộ ngành đường sắt Việt Nam. Do dính vụ việc này, từ tháng 5/2017, hợp đồng tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của Dự án với Liên danh tư vấn JKT đã chấm dứt nhưng hiện vẫn chưa được thanh lý, quyết toán nên công tác thiết kế kỹ thuật của khu tổ hợp Ngọc Hồi vẫn dở dang.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi (quy mô khoảng 95 ha), di chuyển các cơ quan tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát về khu tổ hợp, xây dựng đoạn cầu cạn từ ga Giáp Bát đến ga Gia Lâm và cầu đường sắt vượt sông Hồng; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đồng bộ. Tổng diện tích đất sử dụng cho Dự án khoảng 151,8 ha. Công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án được triển khai từ năm 2009 và đến nay đã giải phóng được 130 ha tại khu tổ hợp Ngọc Hồi; hoàn thành xây dựng khu tái định cư tại xã Liên Ninh và đang xây dựng dở dang khu tái định cư tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản thông qua Hiệp định vay vốn được ký ngày 31/3/2008 (giá trị 4,683 tỷ Yên) và Hiệp định vay vốn ngày 22/3/2013 (trị giá 16,588 tỷ Yên). Đến nay, 2 hiệp định vay vốn trên đã hết thời hạn giải ngân và không gia hạn thêm. Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 5.487 tỷ đồng) sử dụng để giải phóng mặt bằng và tái định cư, quản lý dự án, chi phí khác, thuế…

Theo Bộ GTVT, Dự án được phía tư vấn đề xuất phân chia thành 19 gói thầu, gồm 13 gói thầu xây lắp và 6 gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị. Hiện nay, các gói thầu đang dừng vì chấm dứt hợp đồng với tư vấn JKT năm 2017. Công tác đấu thầu, thi công, xây lắp của các gói thầu đã hoàn thành tổ chức sơ tuyển nhà thầu thi công năm 2013 nhưng sau đó đã hủy bỏ kết quả sơ tuyển do thay đổi, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Hiện chưa triển khai thi công gói thầu nào ngoài hiện trường.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia về đầu tư cho rằng, nếu không “gỡ” thế bí cho Dự án, cái giá phải trả là rất lớn. Đây cũng là câu chuyện chung của rất nhiều dự án bị chậm tiến độ, đầu tư không hiệu quả, sai lệch quy hoạch, vướng mắc pháp lý… hiện nay.

Vị chuyên gia cho rằng, UBND TP. Hà Nội, với vai trò là chủ đầu tư mới của Dự án, nên rà soát kỹ lưỡng để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tháo gỡ vướng mắc như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, cũng cần phải làm rõ cơ chế tài chính của Dự án để hạn chế các vướng mắc phát sinh nếu dự án được tái khởi động trở lại.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư