Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tìm lời giải cho bài toán huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam kỳ vọng sẽ là trục động lực phát triển nhảy vọt cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Với tổng mức đầu tư rất lớn, việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm dự án khả thi, phát huy được hiệu quả.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến 58,71 tỷ USD, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa 320 km/h. Ảnh minh họa: Nhã Chi St
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến 58,71 tỷ USD, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa 320 km/h. Ảnh minh họa: Nhã Chi St

Phác họa dự án khoảng 60 tỷ USD

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) của Bộ Giao thông vận tải, Dự án có chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa 320 km/h. Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến 58,71 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.

Theo Liên danh tư vấn UTCV - EVO - ARUP - HP, tư vấn thẩm tra (TVTT) hồ sơ Dự án, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho Dự án là khó khả thi nếu khai thác với vận tốc 320 km/h và doanh thu chỉ từ vé hành khách như phương án đề xuất của BCNCTKT.

Theo phân tích của TVTT, cấp tốc độ khai thác trên 300 km/h sẽ không hiệu quả về hiệu suất tốc độ, không khai thác hết năng lực vận chuyển của 1 tuyến ĐSTĐC là 360.000 hành khách/ngày. BCNCTKT đề xuất khai thác 91 đôi tàu/ngày đêm với năng lực 134.000 hành khách/ngày, chỉ bằng 37,22% năng lực, dẫn đến rủi ro doanh thu. Doanh thu tối đa từ hành khách với phương án chạy tàu của BCNCTKT là 2,92 tỷ - 3,77 tỷ USD/năm, không đảm bảo cân đối doanh thu - chi phí, Chính phủ sẽ phải bù lỗ.

Hầu hết các nước phát triển ĐSTĐC vận hành với tốc độ trên 300 km/h với tàu khách đều là những nước làm chủ về công nghệ đường sắt cao tốc. Khi đầu tư phát triển ĐSTĐC các nước này đã có mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa hoàn chỉnh và có GDP cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Đến nay, nhiều tuyến đang khai thác ở châu Âu có xu thế giảm tốc độ khai thác từ trên 300 km/h xuống còn 200 - 250 km/h và vận hành khai thác hỗn hợp khách - hàng để tiết kiệm chi phí vận hành...

TVTT kiến nghị lựa chọn cấp tốc độ thiết kế 250 km/h và tốc độ khai thác 225 km/h để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, vừa giảm chi phí vận hành, năng lượng, làm chủ công nghệ, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển, đa dạng hóa nguồn thu... Với phương án này, doanh thu hàng năm sau khi hoàn thành tuyến dự kiến là 11,01 tỷ USD, trong đó doanh thu từ vé và ngoài vé hành khách là 4,34 tỷ USD/năm; doanh thu từ vận chuyển hàng hóa là 6,14 tỷ USD; doanh thu từ cho thuê mặt bằng thương mại tại 6 nhà ga là 0,53 tỷ USD, đảm bảo vận doanh có hiệu quả tài chính cao, không phải bù lỗ từ Chính phủ.

Đề xuất mô hình TOD để huy động vốn

Dựa trên các kết quả thẩm tra, TVTT kiến nghị tập trung mọi nguồn lực đầu tư Dự án khai thác hỗn hợp khách - hàng với TMĐT dự kiến 61,67 tỷ USD.

Liên danh tư vấn thẩm tra BCNCTKT Dự án được Hội đồng Thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Tên đầy đủ của liên danh tư vấn: Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú.

Theo kinh nghiệm quốc tế, với dự án có quy mô nguồn vốn đầu tư rất lớn (trên 50 tỷ USD), việc xem xét đề xuất xây dựng các vị trí nhà ga là các trung tâm đô thị theo mô hình phát triển đô thị TOD (Transit Oriented Development) là cần thiết. TVTT đề xuất kết hợp đầu tư xây dựng tuyến ĐSTĐC với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị nhà ga của Dự án theo mô hình TOD. Trên tuyến sẽ xây dựng mới 50 đô thị nhà ga theo định hướng phát triển TOD. Vốn huy động từ đấu giá đất tại các TOD ước tính là 38,95 tỷ USD, chiếm 63,15% TMĐT của Dự án.

Nguồn tiền thu từ đấu giá đất sẽ giải bài toán lớn về vốn cho Dự án. Trong 61,67 tỷ USD, TVTT đề xuất phương án dành 52,59 tỷ USD vốn đầu tư công để đầu tư hạ tầng tuyến (được huy động từ đấu giá đất tại các TOD và vốn đầu tư công trong 4 kỳ trung hạn). Vốn huy động từ tư nhân là 9,08 tỷ USD, đầu tư đoàn tàu và xây dựng 6 nhà ga 10 tầng, tư nhân khai thác dịch vụ nhượng quyền, trả phí khấu hao hạ tầng đã đầu tư và phí bảo dưỡng hạ tầng.

Theo TVTT, thời gian thực hiện Dự án theo BCNCTKT là quá dài. TVTT kiến nghị thời gian chuẩn bị Dự án trong 3 năm (2023 - 2025). Thời gian triển khai Dự án bắt đầu từ năm 2025. Thời gian thực hiện đầu tư Dự án tối đa là 16 năm, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2025 - 2031) có TMĐT 16,58 tỷ USD, đầu tư đoạn Thủ Thiêm - Nha Trang, mỗi năm xây dựng trung bình 60 km. Giai đoạn 2 (2031 - 2038) với TMĐT 26,44 tỷ USD, mỗi năm xây dựng trung bình 96,7 km. Giai đoạn 3 (2038 - 2041) có TMĐT 18,65 tỷ USD, mỗi năm xây dựng trung bình 117,5 km.

Dự án chỉ đạt hiệu quả khi được thông tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM một cách nhanh nhất, vì thế, TVTT kiến nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư trọng tâm, dành nguồn lực cho Dự án với mục tiêu đến năm 2041 thông toàn tuyến.

Chuyên đề