Dự án đầu tư xây dựng ngành y tế và giáo dục TP.HCM: Giải ngân ì ạch, tăng mức đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi các dự án đầu tư xây dựng ngành y tế tại TP.HCM có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 10 năm qua, thì nhiều dự án ngành giáo dục phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tới 30% để sát với dự toán hiện tại. Đây là một trong những lý do dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt thấp.
Tổng mức đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được điều chỉnh từ 400 tỷ đồng thành hơn 1.198 tỷ đồng. Ảnh: NC st
Tổng mức đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được điều chỉnh từ 400 tỷ đồng thành hơn 1.198 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, việc giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/6/2022 của các dự án thuộc ngành y tế chỉ đạt 12% kế hoạch. Tính đến ngày 10/7/2022, giải ngân đạt 28%, chậm so với kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 có nhiều dự án chậm giải ngân đầu tư công. Đơn cử như Dự án Đầu tư xây dựng Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa có khối lượng giải ngân tới ngày 1/7/2022 chỉ đạt 1% kế hoạch; Dự án Trung tâm chuyên sâu sơ sinh tới ngày 1/7 chỉ giải ngân được 10% (các dự án này được khởi công từ cuối năm 2019). Trong khi đó, Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - hàm - mặt được khởi công từ tháng 11/2021, khối lượng giải ngân tới ngày 1/7/2022 là 0%. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tỷ lệ giải ngân của Dự án Đầu tư xây dựng khối điều trị nội trú tới ngày 1/7 là 36,8%. Đây là dự án được khởi công từ tháng 3/2020 nhằm xây dựng thay thế khối điều trị nội trú có quy mô 2 khối nhà 15 tầng, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay.

Ngoài ra, Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (giá trị 1.854 tỷ đồng) vừa khởi công thì TP.HCM bùng dịch (tháng 1/2021), dẫn tới hoạt động thi công ngưng trệ thời gian dài. Hai dự án lớn khác cũng phải kéo dài thời gian tổ chức đấu thầu, chậm khởi công do dịch bệnh. Đó là Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (giá trị 1.915 tỷ đồng) khởi công từ tháng 11/2021; Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (giá trị 1.895 tỷ đồng) mới được khởi công tháng 4/2022.

HĐND TP.HCM vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2015 nhưng chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh từ 400 tỷ đồng thành hơn 1.198,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam, việc xây dựng các công trình y tế của TP.HCM gặp khó khăn dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 10 năm qua có nhiều lý do khách quan. Đầu tiên là hơn 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, các bệnh viện phải tập trung điều trị, công trình không được thi công. Thời kỳ hậu Covid-19, giá vật liệu leo thang, nhân công thiếu hụt khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khó khăn không chỉ đè nặng lên các dự án ngành y tế, các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM cũng gặp nhiều trở ngại.

HĐND TP.HCM vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng các trường: THCS Vĩnh Lộc A, Tiểu học Tân Kiên, Mầm non Vĩnh Lộc A (thuộc huyện Bình Chánh). Cụ thể, Dự án Xây dựng Trường THCS Vĩnh Lộc A được điều chỉnh vốn đầu tư từ 139,3 tỷ đồng thành 186,181 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Tân Kiên điều chỉnh vốn từ 100 tỷ đồng thành 138,613 tỷ đồng. Trong khi đó, Dự án Đầu tư xây dựng Trường Mầm non Vĩnh Lộc A tăng từ 60 tỷ đồng lên 99,855 tỷ đồng. Đồng thời, các dự án này được điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Theo báo cáo giám sát thẩm tra của HĐND TP.HCM, việc điều chỉnh tăng vốn này là do trượt giá làm thay đổi suất đầu tư, tăng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đây đều là những dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ lâu. Hiện cơ sở cũ của các trường đều xuống cấp, quá tải, không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, do thủ tục trình, phê duyệt quá dài, có dự án đã phê duyệt hơn 10 năm, dẫn tới dự toán không còn phù hợp với bối cảnh, giá cả hiện tại. UBND TP.HCM phải trình lại HĐND tổng mức đầu tư cũng như thời gian thực hiện. Như vậy, hàng loạt dự án xây dựng của ngành giáo dục TP.HCM sẽ thuộc diện phải lùi tiến độ hoàn thành.

Chuyên đề