Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: Tìm lối ra sau 2 thập niên dang dở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) tại Hòa Lạc được phê duyệt từ năm 2003 với 13 dự án thành phần, tổng nhu cầu vốn đầu tư 7.230 tỷ đồng và tiến độ dự kiến hoàn thành năm 2015. Sau 20 năm triển khai chậm chạp với nhiều vướng mắc, đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án mới đạt 78%, tổng nhu cầu vốn đã tăng lên 25.872,179 tỷ đồng nhưng nhiều hạng mục, dự án thành phần vẫn “chưa đâu vào đâu”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

ĐHQG (Chủ đầu tư) cho biết, sau 20 năm, hầu hết các dự án thành phần đều đang triển khai thực hiện dở dang, quá chậm tiến độ so với kế hoạch. Ngày 19/5/2022, ĐHQG đã chuyển Ban Giám đốc lên làm việc tại Hòa Lạc và hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để bảo đảm cho hơn 2.000 sinh viên học tập tại Hòa Lạc từ năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án theo hướng khu đô thị đại học, việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng khu trong và ngoài Dự án bảo đảm đồng bộ, thông minh, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của khu đô thị đại học chưa thực sự được quan tâm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc triển khai thực hiện, giải ngân Dự án thời gian qua rất chậm. Năm 2022, Dự án được giao 1.142,477 tỷ đồng (882,5 tỷ đồng vốn trong nước và 259,977 tỷ đồng vốn nước ngoài). Tính đến ngày 31/1/2023, Dự án mới giải ngân được 352,839 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 31% kế hoạch và ĐHQG không đề xuất kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023. Năm 2023, Dự án được giao 1.271,762 tỷ đồng (404,5 tỷ đồng vốn trong nước và 867,262 tỷ đồng vốn nước ngoài) nhưng đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 33,461 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 2,63% kế hoạch.

Tổng diện tích cần GPMB để thực hiện Dự án là 1.221,75 ha, trong đó phần diện tích đã thực hiện bồi thường, GPMB là 954,6 ha (đạt 78%). Tiến độ triển khai các dự án thành phần rất chậm chạp.

Đối với Dự án thành phần Đầu tư xây dựng Khu tái định cư (QG-HN01) do UBND huyện Thạch Thất làm Chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tiểu khu BC, BE thuộc phân khu phía Bắc. Khi hoàn thành tiểu khu BC sẽ bố trí tái định cư cho khoảng 500 hộ dân. Tuy nhiên, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tiểu khu BC (điện, nước, đường vào khu tái định cư) chưa xong nên rất nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường, đã bốc thăm tái định cư nhưng chưa chuyển vào sinh sống.

Dự án thành phần Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung bắt đầu triển khai từ năm 2013. Đến nay đang triển khai đầu tư 10/16 tuyến đường; 4 tuyến kè hồ, mương; công trình trạm biến áp, tuyến đường dây 110 kV và xuất tuyến cáp giai đoạn 1. Trong đó, 3 tuyến đường đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng (số 3, số 6 và số 11). Các công trình còn lại hiện vẫn dở dang do vướng mắc mặt bằng.

ĐHQG cho biết, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng (gồm 9 công trình, hạng mục công trình) được triển khai thi công tháng 10/2021. Đến nay, các công trình ký túc xá từ 1 - 6 đã thi công đạt 92% khối lượng, công trình nhà kho quân trang quân dụng đạt 92%, công trình nhà ăn đạt 90%, công trình nhà giảng đường, nhà đa năng đạt 75%... ĐHQG dự kiến hoàn thành và đưa dự án thành phần này vào khai thác, sử dụng trong năm 2023.

Dự án thành phần Đầu tư xây dựng khu nhà công vụ (QG-HN06) có quy mô sử dụng đất là 22,8 ha, bao gồm các công trình: nhà công vụ số 1, nhà công vụ số 2, khu biệt thự, công trình dịch vụ, thể dục thể thao, công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay mới hoàn thành nhà công vụ số 1, các công trình còn lại tạm thời không có kế hoạch triển khai đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Riêng Dự án thành phần Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam (vay vốn của Ngân hàng Thế giới) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa triển khai thực hiện.

Theo Bộ KH&ĐT, một trong những nguyên nhân khiến Dự án chậm tiến độ kéo dài là do công tác đền bù, GPMB gặp nhiều khó khăn, chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi qua các thời kỳ. Hơn nữa, sự phối hợp của các đơn vị trong công tác GPMB còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Trong thời gian triển khai Dự án, tỉnh Hà Tây sáp nhập với TP. Hà Nội nên các cơ chế, chính sách áp dụng cho công tác đền bù, GPMB thay đổi, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong diện đền bù, GPMB.

Mặt khác, trong giai đoạn từ năm 2008 - 2015, do ngân sách nhà nước rất khó khăn nên không thể cân đối bố trí đủ vốn để thực hiện Dự án theo nhu cầu bố trí kế hoạch của Bộ Xây dựng (Chủ đầu tư Dự án giai đoạn 2008 - 2017). Việc phối hợp thực hiện Dự án giữa ĐHQG và Ban Quản lý dự án trong việc quy hoạch, thiết kế công năng sử dụng của một số dự án thành phần còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế.

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiến độ Dự án, Bộ KH&ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm toán song hành cùng quá trình đầu tư xây dựng để tránh phát sinh các sai phạm. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với ĐHQG và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai, mốc giới thuộc phạm vi của Dự án. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác bồi thường, GPMB, tái định cư bảo đảm tiến độ triển khai Dự án. ĐHQG tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023, đồng thời rà soát phương án đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng giảng đường, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chuyên đề