Dự án cấp bách chào thua giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại khu vực phía Nam, nhiều dự án cấp bách, cần hoàn thiện sớm để đảm bảo hiệu quả đầu tư đang bị… ách lại do vướng mắc từ khâu mặt bằng. Thực tế này khiến nhiều nhà thầu thi công bị động, gặp nhiều khó khăn, thiệt hại khi phương tiện, thiết bị, nhân sự đều phải… nằm chờ.
Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc mặt bằng nghiêm trọng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc mặt bằng nghiêm trọng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Đồng Tháp, Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B huyện Lấp Vò là công trình thuộc diện khẩn cấp để ứng phó, ngăn chặn tình trạng sạt lở gây nguy cơ hư hỏng Tỉnh lộ ĐT.848, ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã chi khoảng 400 tỷ đồng để triển khai Dự án từ tháng 7/2022. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, tại hiện trường 2 gói thầu thuộc Dự án, nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc mặt bằng nghiêm trọng. Cụ thể, tại Gói thầu số 09 Xây dựng kè bảo vệ bờ (từ K0+510 đến KF) có giá trị trúng thầu 264.008.594.000 đồng và Gói thầu số 08 Xây dựng kè bảo vệ bờ (từ K0+000 đến K0+510) có giá trị trúng thầu 90.329.665.000 đồng, nhà thầu đều rất bị động trong việc huy động phương tiện, nhân lực triển khai kế hoạch thi công. “Nhiều thời điểm chúng tôi huy động toàn bộ thiết bị, dàn cẩu, hàng trăm nhân sự đến nhưng lại phải kéo đi vì không đủ mặt bằng để thi công. Việc thi công bị gián đoạn, ngắt quãng vì mặt bằng “xôi đỗ” là bài toán nan giải của các nhà thầu”, đại diện đơn vị thi công cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, Dự án có tổng chiều dài 2.252 m, 48 hộ dân phải bàn giao mặt bằng. Đến nay, vẫn còn trường hợp của Công ty CP Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. “Công ty CP Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu yêu cầu khi nào Huyện thực hiện chi trả tiền bồi thường sẽ bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, công tác phối hợp để kiểm đếm đối với tổ chức này còn chậm trễ, chưa phê duyệt phương án kịp thời”, ông Nam cho biết.

Tại Long An, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án nông nghiệp Tỉnh cho biết, tại Dự án Xử lý chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP. Tân An, việc triển khai Gói thầu Thi công xây dựng kè và bảo đảm giao thông thủy đang gặp khó do vướng mặt bằng. Theo đại diện Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Long An, UBND Tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên TP. Tân An cam kết đến ngày 30/6/2023 sẽ hoàn tất bàn giao toàn bộ mặt bằng. Vướng mắc lớn cũng liên quan đến thống nhất phương án giữa TP. Tân An và các tổ chức có đất bị giải tỏa. Sự chậm trễ này không ảnh hưởng nhiều đến thời gian hoàn thành Dự án nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho nhà thầu thi công. Đơn vị thi công bị động, tăng chi phí phát sinh trong thời gian chờ mặt bằng để triển khai hoạt động xây dựng và phải bù tiến độ ngay khi được bàn giao.

Tại Kiên Giang, theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam - Chi nhánh Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Đường dây 220KV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2 cũng là dự án có tính cấp bách, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho trung tâm phụ tải khu vực huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, huyện Hòn Đất và TP. Phú Quốc. Đặc biệt, Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 690 tỷ đồng sẽ tạo liên kết với đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (mới xây dựng) để cung cấp điện cho TP. Phú Quốc.

Cấp bách là vậy, nhưng quá trình triển khai thi công loạt gói thầu xây lắp lớn của Dự án đều bị cản trở tiến độ do vướng mặt bằng. Đó là Gói thầu số 15 Xây lắp từ ĐĐ đến G6 và xây lắp ngăn lộ tại Trạm biến áp 220 kV Rạch Giá do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 thi công với giá trúng thầu 94.448.386.222 đồng; Gói thầu số 17 Xây lắp từ G9 đến G14 (bao gồm G9) do Công ty CP Tập đoàn PC1 thi công với giá trúng thầu 67.949.921.530 đồng; Gói thầu số 16 Xây lắp từ G6 đến G9 (bao gồm G6) có giá trị trúng thầu 73.089.172.793 đồng cũng do PC1 đảm nhận.

Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cho biết, có khoảng 250 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đất thu hồi để xây dựng 188 vị trí móng trụ; có khoảng 436 nhà, công trình, vật kiến trúc ảnh hưởng trong hành lang an toàn; có khoảng 1.673 hộ có đất ảnh hưởng trong hành lang an toàn lưới điện. Số lượng hộ dân, công trình cần giải tỏa rất lớn. Nhưng thực tế, rất nhiều vướng mắc về mặt bằng cần được quyết liệt xử lý để tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công.

Chuyên đề