Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Thiếu cát vẫn giải ngân vượt tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, tổng số vốn bố trí cho Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là hơn 2.135 tỷ đồng. Đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (Chủ đầu tư) đã giải ngân 100% kế hoạch vốn và được tỉnh An Giang tạm ứng vốn ngân sách 491 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu đến hết năm 2023.
Thi công Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Ngọc Tuấn
Thi công Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Ngọc Tuấn

DATP 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 57 km, có tổng mức đầu tư hơn 13,526 nghìn tỷ đồng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, Chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực xoay xở, ứng biến linh hoạt để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vốn của Dự án.

Theo ông Du, việc thi công vượt tiến độ có phần đóng góp quan trọng của khâu chuẩn bị dự án, đặc biệt các bước giải phóng mặt bằng (GPMB) và lựa chọn nhà thầu xây lắp. DATP 1 là một trong số ít DATP đã hoàn tất việc chọn nhà thầu cho 4 gói thầu xây lắp.

Hiện tại, công tác thi công được triển khai đồng loạt tại tất cả các hạng mục công trình thuộc DATP 1 với số lượng 126 máy móc, thiết bị và gần 300 nhân sự được các nhà thầu tập kết tại công trường. Đơn cử, tại Gói thầu số 42 Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km0+314 đến Km17+240, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 đang triển khai đào nền đường và thi công đường công vụ, thi công sản xuất cọc các cầu, cống và thi công cọc thử các cầu.

Theo ghi nhận thực tế tại Gói thầu số 43 Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km17+240 đến Km31+280, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Hải Đăng đang tập trung nhân sự, máy móc thiết bị triển khai thi công đào, đắp nền đường, thí nghiệm vật liệu đầu vào, thi công sản xuất cọc thử các cầu, khoan và đổ bê tông cọc khoan nhồi.

Trong khi đó, tại 2 gói thầu xây lắp còn lại gồm: Gói thầu số 44 Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km31+280 đến Km43+500 và Gói thầu số 45 Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km43+500 đến cuối tuyến DATP 1, các nhà thầu đang tập trung thi công đào, đắp nền đường, thí nghiệm vật liệu đầu vào, thi công sản xuất cọc thử các cầu. Đảm nhiệm 2 gói thầu này lần lượt là Liên danh Công ty CP 471 - Công ty CP Tập đoàn Thành Huy - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong và Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Tổng công ty Thành An.

Khó khăn lớn nhất hiện vẫn là vấn đề thiếu cát đắp nền. Theo ông Du, DATP 1 cần 9,3 triệu m3 cát, trong đó riêng năm 2023 cần 1,7 triệu m3. Theo tính toán, từ nay đến cuối năm 2023, mỗi ngày Dự án cần khoảng 25.000 m3, nhưng hiện các nhà thầu chỉ nhận được khoảng 4.700 m3/ngày, không đáp ứng nhu cầu thi công. Trong khi chờ nguồn cát, Chủ đầu tư và các nhà thầu linh động ứng biến điều chỉnh biểu đồ thi công để phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, để vừa tạo nền tảng hoàn thành DATP 1, vừa có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang giao kết với các nhà thầu tập trung thi công các hạng mục của 33 cây cầu trên tuyến (hạng mục có nhu cầu cát không lớn) với mục tiêu hoàn thành trong năm 2024.

“Trong 2 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ quyết liệt GPMB các vị trí còn vướng, đặc biệt tại các vị trí đầu vào các cầu: kênh Đào, kênh Vịnh Tre, kênh 13, kênh Ba Thê, Mặc Cần Dưng mới, kênh Trường Tiền, rạch Ba Dầu, kênh Rạch Giá - Long Xuyên, sông Quanh, cầu vượt ĐT 943, kênh T12, cống T16, kênh Ba Phú, kênh Đòn Dông, nhanh chóng tập kết thiết bị thi công, vật tư và tổ chức đẩy nhanh thi công đồng loạt các hạng mục cầu”, ông Du nói.

Theo kết quả khảo sát của Ban, tổng trữ lượng cát dự kiến phân bổ cho DATP 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng từ 6 mỏ dự kiến giao cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù và 4 doanh nghiệp khai thác cát khác bán cho nhà thầu là 7,976 triệu m3, so với tổng nhu cầu 9,3 triệu m3 thì còn thiếu 1,324 triệu m3. Để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp cho Dự án, Ban đang kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo 4 đơn vị cung cấp, gồm: Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Thủ Tuyền, Liên danh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DNU - Công ty TNHH MTV Thương mại Vạn Hưng Tùng, Liên danh Công ty TNHH Châu Phát - Công ty TNHH Tân Hàn Châu tăng công suất khai thác. Ngoài ra, An Giang sẽ tổ chức khảo sát lại các vị trí giao mỏ cát cho nhà thầu thi công khai thác và thông báo bổ sung mỏ mới để đảm bảo khối lượng cát cho DATP 1.

Ông Nguyễn Văn Du dự báo, nguồn cát cung ứng cho cao tốc sẽ nhiều hơn vào cuối năm nay khi thủ tục giao mỏ cát cho các nhà thầu thi công hoàn tất. Ngoài ra, công tác GPMB và tái định cư cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, tiến độ thi công DATP 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ có thể bứt tốc.

Chuyên đề