Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Sóc Trăng rốt ráo cho ngày khởi công Dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Sóc Trăng được giao làm đơn vị chủ quản Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn I. Theo kế hoạch, Dự án dự kiến được khởi công xây dựng ngày 30/6/2023. Có rất nhiều đầu việc thuộc khâu chuẩn bị đầu tư Dự án đang được địa phương này rốt ráo hoàn thiện.
Dự án thành phần 4 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I có tổng chiều dài 58,4 km, tổng mức đầu tư dự kiến 11.120 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự án thành phần 4 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I có tổng chiều dài 58,4 km, tổng mức đầu tư dự kiến 11.120 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Dự án thành phần 4 có tổng chiều dài 58,4 km, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.958 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án cơ bản bảo đảm theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 70% diện tích để khởi công xây dựng công trình trước 30/6/2023.

Trong 13 đầu việc của khâu chuẩn bị đầu tư Dự án, 2 đầu việc đã hoàn thành, 6 đầu việc hoàn thành trên 60% khối lượng, 5 đầu việc đạt tiến độ, còn 1 đầu việc là khu tái định cư chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.

Ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (đơn vị được UBND tỉnh Sóc Trăng giao làm Chủ đầu tư Dự án thành phần 4) cho biết, tới đầu tháng 11/2022, Ban đã hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng tư vấn khảo sát lập dự án, tư vấn giám sát khảo sát lập dự án, tư vấn lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài lựa chọn nhà thầu tư vấn, khâu khảo sát địa hình đã hoàn thành theo tiến độ. Các đầu việc khác như: khảo sát địa chất, công tác thí nghiệm, khảo sát thủy văn đạt tiến độ theo yêu cầu.

Đối với khâu cắm cọc GPMB, tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Hồ sơ cắm cọc GPMB đợt 1 các đoạn ít biến động (chiều dài 53,1/58,4 km). Các đoạn nút giao liên thông gồm: quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp; Đường tỉnh 940, Quốc lộ 1 và tuyến nối; Đường tỉnh 935, Đường tỉnh 935C, quốc lộ Nam Sông Hậu; cầu vượt sông Ba Xuyên và các cầu vượt Trực Thông (cầu vượt trên Đường tỉnh 938, cầu vượt trên đường trục Tôm - Lúa, cầu vượt trên đường Đại Nôm - Tổng Cán, cầu vượt trên Đường tỉnh 933C) sẽ phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc sau khi có ý kiến chấp thuận của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải). Tới nay, các cơ quan hữu trách đã đổ 2.000 trên tổng 2.700 cọc GPMB; cắm cọc bê tông cốt thép đạt 26/58,4 km. Sóc Trăng đã hoàn thành khoảng 80% và cơ bản đạt tiến độ khâu lập Khung chính sách đền bù, hỗ trợ, GPMB. Theo đó, nhà thầu tư vấn đã hoàn tất Khung chính sách và tỉnh Sóc Trăng đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Song song đó, tiến độ khâu lập dự án cũng được bảo đảm. Theo Ban Quản lý dự án 2, Sóc Trăng đã hoàn thiện phương án tuyến Dự án thành phần 4 và gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về khung tiêu chuẩn. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã có ý kiến về hồ sơ thiết kế cơ bản đợt 1 và đợt 2 với tổng chiều dài 53,1/58,37 km. Nhà thầu tư vấn thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế một số yếu tố cơ bản đợt 1 và đợt 2 với tổng chiều dài 53,1/58,37 km. Các đơn vị hữu trách đã tổ chức bàn giao Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB (đợt 1) và ranh, cọc GPMB sơ bộ cho huyện Mỹ Tú.

Riêng về khu tái định cư, Ban Quản lý dự án 2 đã giao đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, lên phương án thiết kế, tuy nhiên đến nay mới đạt 10% khối lượng, chưa đáp ứng tiến độ.

Để tránh tình trạng khan hiếm vật liệu khi khởi công xây dựng Dự án, tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát 3 mỏ đá (1 mỏ đá Antraco, 1 mỏ đá khu vực tỉnh Kiên Giang, 1 mỏ đá khu vực Đông Nam Bộ); 5 mỏ cát đắp tại tỉnh An Giang. Với mỏ cát trong tỉnh, Sóc Trăng đã tiến hành lấy mẫu tại 3 mỏ trên sông Hậu gồm: mỏ An Lạc Tây, An Thạnh 1, An Thạnh Tây. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ mỏ vật liệu, song mới đạt 70% khối lượng, chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Các khâu chuẩn bị khác cơ bản đạt yêu cầu tiến độ như: điều tra bãi thải (đạt 90%), Báo cáo đánh giá tác động môi trường (đạt 80%), Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp ý kiến dân cư nơi thực hiện Dự án (đạt 60%).

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đây là lần đầu tiên Sóc Trăng triển khai dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, cơ chế đặc thù, thời gian ngắn nên không lường trước hết được khó khăn. Đơn cử như nguồn vật liệu, Tỉnh không có mỏ đá và trùng thời điểm triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn nên khả năng cao sẽ khan hiếm nguồn vật liệu. Bên cạnh việc lập thủ tục gia hạn 2 mỏ cát trong Tỉnh, Sóc Trăng đã làm việc với các địa phương lân cận để có cơ chế chia sẻ nguồn vật liệu bảo đảm đủ cung cấp cho Dự án.

“Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Dù nhiều thách thức đặt ra, Sóc Trăng đang rốt ráo hoàn thiện các khâu chuẩn bị đầu tư để Dự án khởi công xây dựng đúng dự kiến”, ông Nghiệp nói.

Chuyên đề