Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần FECON diễn ra sáng 28/4. Ảnh: Hoàng Việt |
Kết thúc năm 2021, FECON ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 3.484 tỷ đồng và 71 tỷ đồng, hoàn thành 89% và 41% kế hoạch năm. Theo ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT FECON, nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch phần lớn đến từ 2 lý do khách quan là đại dịch Covid-19 và "bão giá" nguyên vật liệu xây dựng.
Ở mảng thi công, nhiều dự án chậm triển khai như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2… Đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021, bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông FECON đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng, tăng trưởng tới 296%.
Ban lãnh đạo Công ty cho biết, kế hoạch này được đưa ra khá thận trọng trong bối cảnh “bão giá” nguyên vật liệu. “Rút kinh nghiệm năm trước, Công ty đã tính toán tương đối cẩn thận ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng thời gian tới. Ban cung ứng của Công ty đã liên tục khảo sát đánh giá, cập nhật tình hình giá vật liệu để có chiến lược thực hiện, theo đuổi các dự án một cách hiệu quả”, lãnh đạo FECON nhấn mạnh.
Trước ảnh hưởng của sự leo thang giá vật liệu, FECON cho biết đã đàm phán với các đối tác chiến lược để cung cấp vật liệu với cam kết không tăng giá trong suốt thời gian dự án. Đồng thời, Công ty cũng đàm phán với khách hàng (chủ đầu tư) điều chỉnh giá gói thầu khi giá vật liệu tăng thêm từ 5% trở lên và đã nhận được sự đồng ý từ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2.
Kết thúc quý I/2022, FECON cho biết đã ký kết thành công nhiều hợp đồng thi công với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng và dự kiến mỗi quý tiếp theo đạt 1.500 - 2.000 tỷ đồng; còn giá trị các hợp đồng mà Công ty đã ký từ năm 2021 chuyển sang năm 2022 là hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Công ty đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Bước sang quý II/2022, Công ty tiếp tục theo đuổi các hợp đồng thi công tiếp theo của các dự án lớn đang thực hiện, như Dự án Khu liên hiệp gang thép Hoà Phát tại Dung Quất, thi công cọc công trình Dự án sân bay Long Thành, xử lý nền Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4,… Hiện tại, Công ty đang đăng ký làm tổng thầu 2 tuyến đường cao tốc.
Chia sẻ về các dự án bất động sản đang theo đuổi, lãnh đạo Công ty cho biết: "Đây là các dự án mà FECON là nhà tài trợ quy hoạch, nhưng để được giao dự án cần phải thông qua các bước đấu thầu, đấu giá. FECON đang theo đuổi 4 dự án bất động sản đô thị ở các tỉnh Bắc Ninh (quy mô 6 ha), Thái Nguyên (gần 30 ha), Hưng Yên (206 ha), Đồng Tháp (gần 4 ha) và một dự án bất động sản khu công nghiệp ở Bắc Giang (quy mô trên 300 ha)".
Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do FECON đầu tư đã được vận hành thương mại (COD) vào ngày 29/10/2021 dự kiến cung cấp điện năng 97,5 triệu kWh/năm cũng sẽ là đóng góp vào nguồn thu năm 2022 của FECON.