Đồng lòng vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thách thức và tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời, đúng hướng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Có thể chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công để thực hiện các gói hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Lê Tiên
Có thể chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công để thực hiện các gói hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Lê Tiên

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam, việc tính đến gói hỗ trợ tiếp theo là cần thiết, tuy nhiên, cần xem xét tiếp tục cơ cấu lại các khoản thu, nâng cao hiệu quả các khoản chi trước khi thực hiện công cụ cuối cùng là tăng vay nợ công hoặc tăng bội chi để tránh tác động bất lợi cho kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp về tài khóa như giảm thuế, phí, hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động mất việc và người dân. Theo ông, những giải pháp như vậy phù hợp với điều kiện kinh tế và thực trạng tác động của dịch bệnh tại Việt Nam chưa?

Có thể thấy, Chính phủ rất khẩn trương, nỗ lực ban hành và thực thi một loạt chính sách hỗ trợ trong một khoảng thời gian ngắn. Những chính sách này phần nào giúp các doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn do dịch bệnh.

Về bản chất, các gói hỗ trợ này đều làm tăng chi ngân sách. Để thực hiện, ngân sách nhà nước buộc phải giảm chi ở các hạng mục khác, sử dụng cả dự phòng ngân sách trung ương và địa phương.

Trong đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng được lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, nguồn dự phòng ngân sách năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên từ cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nên không quá ảnh hưởng đến các khoản chi khác trong năm 2020. Ở góc độ nào đó, các gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu cho năm sau và những năm tiếp theo. Vì vậy, việc hỗ trợ là cần thiết nhưng phải có tính toán, cân nhắc liều lượng, cách thức sử dụng để đảm bảo không gây tổn thương ngân sách lớn.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ chậm nộp thuế và tiền thuê đất, giảm phí và dự kiến giảm thuế sẽ ảnh hưởng rõ đến thu ngân sách nhà nước trong năm nay, bởi ít nhất tiền chậm về là ngân sách nhà nước hao hụt khoản lãi phát sinh.

Cả hai định hướng chính sách nêu trên đều phù hợp về mức độ tác động của dịch và điều kiện kinh tế Việt Nam nên được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến nay, tổng số tiền gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất mới đạt khoảng 54,6 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 30% con số ước tính ban đầu. Chi hỗ trợ an sinh xã hội mới đạt khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều con số dự chi 62 nghìn tỷ đồng.

Thực tiễn giải ngân và phản ánh từ các đối tượng thụ hưởng cho thấy, thiết kế chính sách về chi tiết vẫn còn một số điểm chưa hợp lý, thủ tục thực hiện vẫn phức tạp, dẫn đến lúng túng trong thực thi nên giải ngân khá chậm. Mặt khác, nguồn chi hỗ trợ an sinh xã hội được lấy từ cả dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương, nhưng năng lực ngân sách của các địa phương là không tương đồng nên hiệu quả không đồng đều.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này là doanh nghiệp phải có số người ngưng việc chiếm từ 20% hoặc 30 người trở lên. Cách làm này vừa gây khó cho doanh nghiệp vừa không có tính chất khuyến khích doanh nghiệp giữ người lao động ở lại.

Trong khi đó, một số quốc gia khác áp dụng chính sách ngược lại, tức là doanh nghiệp càng giữ được nhiều lao động thì càng được hỗ trợ vay vốn hoặc những chính sách ưu đãi khác, từ đó phát huy hiệu quả tích cực hơn.

Vì vậy, có thể xem xét lại các chính sách hỗ trợ này, trong đó tính đến việc người lao động thất nghiệp được hỗ trợ qua gói hỗ trợ thất nghiệp hoặc bảo trợ xã hội thay vì hỗ trợ gián tiếp qua doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí chủ trương có thể chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công để thực hiện các gói hỗ trợ tiếp theo. Chủ trương này nên thực hiện theo hướng nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Cần thực hiện hài hoà giữa việc giảm thu lẫn tăng chi trong cân đối với nguồn lực ngân sách nhà nước.

Từ phía thu, có thể xem xét giảm thêm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân. Cách làm này có thể ngay lập tức làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng lại có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì cuộc sống và công việc trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục nỗ lực hoạt động trong giai đoạn tới, từ đó mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn phải hết sức cân nhắc thực hiện các chính sách giảm thuế theo hướng đảm bảo nhất quán và công bằng trong cả quá trình thực thi.

Mặt khác, ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nước ta vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp nên luôn cần nguồn thu để đảm bảo an sinh xã hội, do đó, phải chắt chiu từng đồng thu được.

Các khoản giảm thu thuế có thể thiết kế theo từng định hướng và mục tiêu cụ thể chứ không nên dàn trải. Chẳng hạn, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp định hướng và phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu (hỗ trợ nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu...).

Từ phía chi ngân sách nhà nước, tiếp tục xem xét để tiết kiệm chi, đặc biệt cắt giảm các khoản chi thường xuyên vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước. Mặt khác, tiếp tục cải thiện hiệu quả chi đầu tư phát triển, hạn chế triệt để tình trạng lãng phí, thất thoát sẽ có tác động tích cực và lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với việc quản lý hiệu quả thu và chi ngân sách nhà nước, có thể tiếp tục phải vay nợ và chấp nhận mở rộng thâm hụt, song cần cân nhắc mức độ phù hợp. Trước khi tính đến các giải pháp như vậy, các cơ quan chuyên môn, các bộ, ngành cần xem xét tiếp tục cơ cấu lại các khoản thu, nâng cao hiệu quả các khoản chi để tránh tác động bất lợi cho kinh tế vĩ mô, đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và ảnh hưởng không tốt đến tương lai lâu dài của nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện các chính sách này cần được giám sát chặt chẽ và quy trách nhiệm với cá nhân để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, song cũng có ý kiến quan ngại nếu giám sát quá chặt thì thực thi sẽ dè dặt và hiệu quả sẽ thấp. Xin cho biết quan điểm ông về điều này?

Thực tế là, bên cạnh một số điều kiện thụ hưởng quá khó và phức tạp, các văn bản hướng dẫn hiện nay vẫn chưa đủ và còn nhiều cách hiểu khác nhau gây khó cho quá trình thực hiện và giám sát.

Do đó, cần có hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể với những tiêu chí càng chi tiết càng tốt để người thực thi không sợ sai, không ngại trách nhiệm. Nếu làm tốt điều này ngay từ khi xây dựng chính sách, người thực thi có tinh thần trách nhiệm, thì người dân và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Mặt khác, các tiêu chí cũng cần được công khai rộng rãi để các đơn vị thực thi, các tổ chức đoàn thể và người dân cùng tham gia giám sát. Làm được như vậy, tôi tin là các gói hỗ trợ sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng.

Chuyên đề