Đồng loạt thanh tra các gói thầu thiết bị giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tháng 11/2021, nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác đấu thầu liên quan đến mua sắm trang thiết bị giáo dục thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 775) và Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 1436).
Việc thanh tra các gói thầu trang thiết bị giáo dục xuất phát từ báo cáo của Bộ Công an về một số vi phạm trong đầu tư mua sắm lĩnh vực này. Ảnh: Phú An
Việc thanh tra các gói thầu trang thiết bị giáo dục xuất phát từ báo cáo của Bộ Công an về một số vi phạm trong đầu tư mua sắm lĩnh vực này. Ảnh: Phú An

Đầu tháng 11/2021, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế công bố quyết định về việc thanh tra các gói thầu liên quan đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục theo Đề án 1436 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư. Thời kỳ thanh tra từ năm 2017 đến năm 2020.

Cùng thời điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn gửi Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục theo phạm vi, trách nhiệm được phân công tại Đề án 1436 và Chương trình 775.

Tại Đắk Nông, Thanh tra tỉnh này cho biết sẽ tiến hành thanh tra các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục thuộc Chương trình 775 và Đề án 1436. Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các gói thầu; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); báo cáo kết quả về UBND tỉnh Đắk Nông và Thanh tra Tỉnh trong tháng 11/2021.

Ngày 26/11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo giao nhiệm vụ thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Chương trình 775 và Đề án 1436. Cụ thể là thanh tra các gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn làm chủ đầu tư.

Được biết, trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, xử lý liên quan đến đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục.

Văn phòng Chính phủ cho biết, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an về một số vi phạm trong đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục và kiến nghị, đề xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ: GD&ĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nhiệm vụ được giao tại Đề án 1436, Chương trình 775 rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đảm bảo hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các gói thầu thuộc đề án và chương trình nói trên.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, giai đoạn 2016 - 2020, tại Quảng Nam, nhiều gói thầu thuộc Chương trình 775 đã được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Kịch bản chung của các gói thầu này là nhà thầu trúng thầu không phải cạnh tranh về giá do không có đối thủ, hoặc đối thủ bị loại từ rất sớm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những điểm chung trong việc lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu tại Đề án 1436 và Chương trình 775 là không có cạnh tranh về giá.

Chương trình 775 có tổng vốn thực hiện là 4.401,696 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 3.401,696 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng.

Đề án 1436 gồm 2 giai đoạn: 2017 - 2020 và 2021 - 2025. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, đối với giáo dục mầm non, đầu tư xây dựng 4.300 phòng học, xây dựng bổ sung 4.360 phòng học, 3.070 phòng giáo dục thể chất, mua sắm bổ sung 16.290 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 1.020 bộ đồ chơi ngoài trời; đối với giáo dục tiểu học, kiên cố hóa 5.000 phòng học, xây dựng bổ sung 6.000 phòng học, mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu…

Chuyên đề