Yêu cầu “lạ” tại nhiều gói thầu thiết bị giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, có tình trạng nhiều bên mời thầu phức tạp hóa các tiêu chí mời thầu nhằm hạn chế nhà thầu “lạ” tại một số gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục. Trong đó, yêu cầu về hàng mẫu, nhân sự, giấy phép bán hàng không phù hợp là ba chiêu thức thường được áp dụng, làm phát sinh không ít kiến nghị từ nhà thầu.
Một gói thầu mua bàn, ghế; máy chiếu vật thể cũng yêu cầu nhà thầu nộp toàn bộ danh mục hàng mẫu trước thời điểm đóng thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một gói thầu mua bàn, ghế; máy chiếu vật thể cũng yêu cầu nhà thầu nộp toàn bộ danh mục hàng mẫu trước thời điểm đóng thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Liên quan đến yêu cầu về hàng mẫu, trong phản ánh mới đây đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu tại miền Trung cho biết, dù quan tâm đến Gói thầu Thiết bị dạy học do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình mời thầu, song khó có thể đáp ứng được điều kiện. Theo đó, phạm vi hàng hóa của Gói thầu gồm 116 danh mục (đa phần là tranh ảnh, tập bản đồ), song hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu nộp hàng mẫu với số lượng 1 bộ hàng mẫu/1 danh mục hàng hóa tương ứng trước thời điểm đóng thầu. Nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư lược bỏ vì yêu cầu này là không cần thiết đối với sản phẩm đã được quy chuẩn hóa, song không được chấp thuận.

Tại Long An, một gói thầu mua bàn, ghế; máy chiếu vật thể cũng yêu cầu nhà thầu nộp toàn bộ danh mục hàng mẫu trước thời điểm đóng thầu. Kết quả ghi nhận duy nhất một nhà thầu tham dự và trúng thầu, sau khi các nhà thầu còn lại đã sớm bỏ cuộc.

Ngoài ra, tại không ít gói thầu, tiêu chí về nhân sự được quy định quá cao so với quy mô, tính chất gói thầu. Đơn cử, một số gói thầu dự toán vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, phạm vi mua sắm đơn lẻ một số hàng hóa như bàn, ghế, máy vi tính, máy chiếu… yêu cầu các nhân sự phụ trách bàn giao, lắp đặt phải đáp ứng hàng loạt chứng chỉ, bằng cấp chuyên ngành.

Tại một gói thầu mua thiết bị phòng học trên địa bàn tỉnh Long An có dự toán 1,4 tỷ đồng, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất 5 kỹ sư cơ khí hoặc điện, điện tử, công nghệ thông tin (có xác nhận đã qua lớp đào tạo kỹ thuật của hãng sản xuất đối với thiết bị máy chiếu vật thể) phục vụ cho việc hướng dẫn, lắp đặt 2 máy chiếu vật thể trong danh mục hàng hóa mời thầu.

Một gói thầu mua bàn ghế, máy tính, tủ cá nhân cho một trường THPT tại Hà Nội cũng bị phản ánh là kém cạnh tranh, khi yêu cầu nhà thầu phải có 2 cán bộ kỹ thuật phụ trách lắp đặt, bàn giao trình độ cao đẳng trở lên, chuyên ngành điện, cơ điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin; 1 cán bộ kỹ thuật khác trình độ cao đẳng trở lên chuyên ngành y, dược hoặc kỹ thuật trang thiết bị y tế để thực hiện gói thầu.

Tiếp đó là yêu cầu về giấy phép bán hàng tại nhiều gói thầu mua hàng hóa thông dụng. Điển hình là 2 gói thầu tại Sở GD&ĐT Bình Thuận và Sở GD&ĐT Thanh Hóa, yêu cầu giấy phép bán hàng đối với sản phẩm đàn organ, vì chủ đầu tư cho rằng đây là sản phẩm đặc thù. Trong khi đó, các nhà thầu cho rằng đây là dạng thiết bị điện tử thông dụng, có nhiều nhà cung cấp trên thị trường.

Theo một chuyên gia đấu thầu, đối với hàng hóa đã được kiểm chứng về đặc tính, cũng như chất lượng, pháp luật về đấu thầu không có quy định nào buộc nhà thầu phải nộp hàng mẫu thì mới được dự thầu. Bên cạnh đó, với hàng hóa đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định, không được đưa yêu cầu về giấy phép bán hàng/giấy ủy quyền của nhà sản xuất.

Vị chuyên gia này khuyến nghị, trường hợp phát hiện các yêu cầu bất thường, nhà thầu được quyền “lên tiếng” và chủ đầu tư, bên mời thầu cần nghiêm túc rà soát, ghi nhận những quan điểm đúng đắn, hợp lý. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan cần sát sao trong việc giám sát công tác đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhằm giảm thiểu tối đa kiến nghị trong đấu thầu.

Chuyên đề