Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. Ảnh: Huyền Trang |
Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác. So với năm 2022, năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4%), số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng. Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém của khu vực này, đó là: quy mô sản xuất nhỏ, manh mún; mức độ hợp tác, liên kết và hiệu quả sản xuất chưa cao; trình độ, năng lực cán bộ quản lý, thành viên và người lao động còn hạn chế; phạm vi hoạt động hẹp, nguồn vốn đầu tư thấp, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu còn yếu...
Ở nước ta, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý chung để kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, Đảng và Nhà nước còn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, tiết kiệm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho các tổ chức kinh tế tập thể, HTX so với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập và chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ những điểm nghẽn lớn về phát triển HTX, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa, đồng bộ trong thực hiện Luật HTX năm 2023; rà soát pháp luật về đất đai, thuế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, thông tin, bảo hiểm, lao động việc làm... để bảo đảm sự thống nhất, tránh vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Bà Vân cũng đề xuất sửa đổi chính sách thuế, phí và lệ phí để khuyến khích hộ cá thể tham gia HTX, giúp cho HTX và thành viên có nguồn lực tài chính phát triển sản xuất, kinh doanh, không quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp của thành viên HTX. Đồng thời bổ sung các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đào tạo bồi dưỡng, đào tạo nghề, tiếp cận vốn, tín dụng, chuyển đổi số, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; bố trí nguồn lực trong thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, nhiệm vụ gắn với các cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhân lực trẻ có chuyên môn về làm việc tại HTX... Trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia có quỹ đất dành cho HTX phát triển vùng chuyên canh lớn, xây dựng cụm công nghiệp chế biến, trung tâm hỗ trợ phát triển HTX...
Theo bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam, để phát triển được HTX thì yêu cầu năng lực quản trị phải tốt, HTX phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh. Điều này đòi hỏi Nhà nước có các cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư lớn đầu tư vào HTX.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên dễ chịu tác động của ngoại lực, do đó phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX phải đổi mới cho phù hợp với tình hình, hoàn cảnh chung. Tuy nhiên, việc đổi mới tuyệt đối không nóng vội, vừa làm vừa thí điểm, mở rộng.
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý một cách căn bản, khách quan, toàn diện, sâu sắc về cơ chế, chính sách, những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân cũng như đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới của các đại biểu, nhà khoa học tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, hướng tới đáp ứng những đòi hỏi khách quan cần đổi mới của mô hình kinh tế tập thể, HTX sao cho hiệu quả, bền vững. Việc phát triển HTX trong giai đoạn mới là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực. Do đó cần chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, HTX một cách linh hoạt, phù hợp; tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân.