Đơn vị sự nghiệp công được khai thác tối đa tài sản nhà nước

(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đơn vị sự nghiệp có thể sử dụng trụ sở dôi dư để góp vốn kinh doanh. Ảnh: NC. st
Đơn vị sự nghiệp có thể sử dụng trụ sở dôi dư để góp vốn kinh doanh. Ảnh: NC. st

Đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 690.590,36 tỷ đồng tài sản nhà nước

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước hiện đang quản lý 4 loại TSNN có giá trị lớn, gồm đất, nhà, ô tô và tài sản khác với trị giá tổng tài sản (tính đến thời điểm 31/12/2014) là trên 999.692 tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước). Trong đó, 59.251 đơn vị sự nghiệp công quản lý 304.810 tài sản, với tổng trị giá là 690.590,36  tỷ đồng, chiếm 69,08% tổng giá trị TSNN.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, thời gian qua việc triển khai thực hiện giao TSNN cho đơn vị sự nghiệp công như giao vốn cho doanh nghiệp và cho phép đơn vị tự chủ tài chính được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh hiện hành đã đạt được những kết quả nhất định như nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, cơ chế hiện hành và công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại, nên cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, một số tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công đủ điều kiện để được Nhà nước giao tài sản theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp chưa hợp lý, dễ tạo tâm lý e ngại cho đơn vị như yêu cầu khi nhận tài sản, đơn vị phải có đề án sử dụng, phải cam kết Nhà nước không bổ sung kinh phí (trừ trường hợp tăng thêm nhiệm vụ, tăng thêm biên chế)...

“Việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là một chủ trương mới; một số đơn vị sự nghiệp công lập còn có tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; một số đơn vị chưa thấy được tác dụng quan trọng của việc sử dụng hiệu quả TSNN giao nên chưa tích cực triển khai. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của một số bộ ngành, các địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ. Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm cho kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính chưa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương, đến nay mới có khoảng 580 đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp với tổng giá trị tài sản khoảng 19.344.274,36 triệu đồng”, ông Trần Đức Thắng cho biết.

Cho thuê tài sản gắn liền với đất trên 100 triệu đồng mới phải đấu giá

Hiện tại Nhà nước chỉ cho phép đơn vị sự nghiệp công được dùng tài sản đầu tư trên đất để cho thuê, góp vốn, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị của tài sản trên đất thường thấp, nếu chỉ góp tài sản trên đất thì phần vốn góp sẽ thấp. Trong khi đó, tại hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn, nhất là các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, khu thể thao văn hóa..., ngoài giá trị tài sản đã đầu tư trên đất thì những đơn vị này còn có giá trị lợi thế thương hiệu, lợi thế vị trí địa lý rất lớn. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng lợi thế sẵn có của mình, Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn cho phép đơn vị sự nghiệp công được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất, lợi thế kinh doanh, lợi thế thương hiệu, lợi thế thương mại và các lợi thế khác có liên quan để góp vốn, liên doanh, liên kết.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công tự chủ về tài chính được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh vẫn phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng như tận dụng TSNN trong thời gian nhàn rỗi; tỷ lệ thời gian, cường độ khai thác tài sản phải cao hơn khi chưa thực hiện kinh doanh; xác định giá cho thuê, giá trị tài sản để kinh doanh phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường; toàn bộ tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh phải được trích khấu hao.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất, đơn vị sự nghiệp công tự chủ về tài chính được cho thuê một phần trên cơ sở khai thác quỹ nhà, đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Việc cho thuê TSNN được thực hiện theo phương thức đấu giá áp dụng đối với gói cho thuê tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Cho thuê trực tiếp không qua đấu giá được áp dụng đối với trường hợp gói cho thuê dưới 100 triệu đồng; các loại tài sản khác, cho thuê tài sản trong thời gian ngắn, không liên tục, kể cả các hạng mục thuộc trụ sở làm việc như hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm...

Tiền thu được từ kinh doanh, đơn vị phải hạch toán riêng và sử dụng để thanh toán các chi phí có liên quan; nộp tiền thuê đất, thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; hoàn trả vốn huy động (trong trường hợp tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ nguồn vốn huy động). Số tiền còn lại được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư