Đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng thấp, nhà đầu tư gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của Nhà nước thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế (giá thị trường) của quyền sử dụng đất. Như ở tỉnh Phú Thọ, giá thị trường thường gấp 3 - 5 lần giá bồi thường cho các hộ dân trong diện GPMB.
Ông Đặng Đắc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập

Ông Đặng Đắc Tùng,

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập

Khi thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, diện tích phải GPMB không nhỏ, đơn giá bồi thường GPMB thấp khiến công tác đền bù, giải tỏa gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai xây dựng công trình.

Mặc dù công tác GPMB được giao cho địa phương thực hiện nhưng kinh phí do nhà đầu tư ứng trước để chi trả. Nếu áp đúng đơn giá bồi thường của Nhà nước thì công tác GPMB của dự án sẽ rất khó khăn, gặp sự phản kháng của người dân bị ảnh hưởng. Do đó, để thúc đẩy công tác GPMB, sớm có mặt bằng sạch triển khai dự án thì nhà đầu tư phải “chi thêm”, “chi ngoài” đơn giá đền bù của Nhà nước. Chẳng hạn chi đền bù GPMB của Nhà nước đối với đất nông nghiệp khoảng 300.000 đồng/m2 nhưng nhà đầu tư phải hỗ trợ thêm khoảng 500.000 - 700.000 đồng/m2. Nếu dự án quy mô lớn, tổng diện tích phải GPMB nhiều thì kinh phí chi thêm cho công tác đền bù mà nhà đầu tư bỏ ra là rất lớn.

Trong khi đó, hạch toán chi phí GPMB trong tổng mức đầu tư của dự án sử dụng đất thì chỉ tính chi phí đền bù theo định mức, đơn giá của Nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư dự án sử dụng đất, các cơ quan chức năng khi ban hành đơn giá đền bù GPMB cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý để giá đền bù gần sát với giá đất thị trường; đồng thời có những chính sách phù hợp hỗ trợ nhà đầu tư dự án sử dụng đất, bởi số tiền nhà đầu tư bỏ ra thực hiện mỗi dự án là không nhỏ, sản phẩm của dự án, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chuyên đề