Đổi mới sáng tạo nhìn từ Chính phủ kiến tạo

(BĐT) - Đổi mới sáng tạo là nhu cầu phát triển tự thân của mọi tổ chức. Trong bối cảnh nền khoa học, công nghệ thế giới đang thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đổi mới sáng tạo lại càng là một đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết.
Năm 2018 Chính phủ kiến tạo cam kết thực hiện phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Ảnh: Huấn Anh
Năm 2018 Chính phủ kiến tạo cam kết thực hiện phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Ảnh: Huấn Anh

Có thể nói, từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986 chưa bao giờ đổi mới sáng tạo trong cách thức điều hành của Chính phủ lại rõ nét như hiện nay. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, một thông điệp mới về cách thức điều hành của Chính phủ đã được người đứng đầu Chính phủ đề ra. Đó là cách thức điều hành của một “Chính phủ kiến tạo”.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nội hàm của Chính phủ kiến tạo bao gồm: Thứ nhất, chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế; thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường; thứ ba, kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi; và thứ tư là Chính phủ nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương.

Với phương châm hành động như trên, Chính phủ đã có nhiều cách thức điều hành mới, sáng tạo hơn. Điển hình như, trong xây dựng thể chế, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, Chính phủ đã chủ động nắm bắt những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật và nhanh chóng có những hành động cụ thể để giải quyết các điểm nghẽn đó. Tháng 8/2017, Chính phủ đã chủ động đặt hàng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát, báo cáo các quy định về điều kiện kinh doanh để có thông tin, bằng chứng phục vụ cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra ngày 23/8/2017. Kết quả là Chính phủ đã đề ra chính sách cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 tổng số điều kiện kinh doanh được quy định trong hệ thống pháp luật của 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hành động này thể hiện một sự chủ động, quyết liệt trong cải cách, kiến tạo của Chính phủ. Việc sử dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức khoa học và khu vực doanh nghiệp một cách trực tiếp như vậy là một điểm mới trong công tác xây dựng thể chế của Chính phủ.

Dẫn chứng điển hình thứ hai thể hiện rõ cách thức điều hành mới, sáng tạo hơn của Chính phủ là trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động thường xuyên, nhiều nội dung có tính đổi mới, sáng tạo cao đã được đưa vào các nghị quyết để triển khai thực hiện. Điều này được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 – một nghị quyết được đánh giá có sự đổi mới căn bản cả ở phương pháp, hình thức và nội dung.

Cụ thể, Nghị quyết đi ngay vào các giải pháp, nhiệm vụ cần làm, không nói nhiều đến bối cảnh, tình hình. Quan trọng hơn, Nghị quyết đã nêu một phương châm hành động rất có ý nghĩa, đó là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Phương châm hành động này khẳng định tính sáng tạo trong điều hành, đồng thời hướng tới hiệu quả thực chất, kết quả cuối cùng. Bên cạnh những chỉ tiêu phát triển cụ thể, Nghị quyết số 01/NĐ-CP năm 2018 đã nêu rất rõ các nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương với tổng số là 242 nhiệm vụ, được trình bày dưới dạng bảng. Cách thức ban hành nghị quyết như vậy tạo thuận lợi cho việc thực hiện và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương.

Một dẫn chứng nữa cũng thể hiện cách thức điều hành mới, sáng tạo hơn của Chính phủ là trong tổ chức thi hành chính sách, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Hoạt động của Tổ công tác đã giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách đã được Chính phủ ban hành. Hoạt động của Tổ công tác cũng làm tăng hiệu quả phối hợp giữa các bộ phận của Chính phủ, làm cho sợi dây liên lạc giữa các bộ, ngành và địa phương với Chính phủ chặt chẽ hơn, thông tin hai chiều đầy đủ hơn, đồng thời làm giảm sự phân mảnh, rời rạc trong chỉ đạo, điều hành và thi hành chính sách của Chính phủ.

Với cách điều hành mới, sáng tạo, thực chất của Chính phủ nhiệm kỳ mới, cảm nhận chung là Chính phủ đang mang lại sức sống mới cho nền kinh tế, góp phần đưa nền kinh tế đến nhiều kết quả ngoài mong đợi. Năm 2017, Chính phủ đã đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn so với kế hoạch của Chính phủ và dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Với xu hướng đổi mới sáng tạo này, chắc chắn điều hành của Chính phủ trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ đem lại nhiều thành tựu phát triển hơn nữa cho đất nước.

Chuyên đề