Hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà cần được kiến tạo bởi những ý tưởng lớn cùng gặp nhau |
Mục đích của Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 là tạo nền tảng kết nối giữa Chính phủ, cộng đồng nhà đầu tư và các startup. “Diễn đàn là dịp để Chính phủ thấy được những vấn đề cần tháo gỡ, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các hoạt động đầu tư khởi nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Sự kiện đã thu hút những tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund, Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Ventures, Hanwha..., các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... tham gia và đã tạo ra hàng trăm cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với cộng đồng startup Việt tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Qua Diễn đàn, các quỹ đầu tư có thể nhận thấy cơ hội đầu tư, thị trường của Việt Nam đầy tiềm năng. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng startup giao lưu, gặp gỡ và trình bày trực tiếp kế hoạch kinh doanh của mình với các quỹ đầu tư.
Việc tổ chức diễn đàn này thể hiện rõ vai trò kiến tạo, thiện chí của Chính phủ Việt Nam đối với các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế. “Chính phủ cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, cộng đồng startup để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp, để các bạn có thể thỏa sức cống hiến, sáng tạo, đóng góp, đưa ý tưởng thành mô hình, sản phẩm công nghệ áp dụng vào nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và thịnh vượng hơn”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Theo người đứng đầu cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho phát triển, Bộ KH&ĐT nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc tạo dựng một diễn đàn về khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là nơi gặp gỡ của các nhà đầu tư với cộng đồng khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà cần được kiến tạo bởi những ý tưởng lớn cùng gặp nhau.
Sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Thành công của ngày hôm qua không có nghĩa cũng là của ngày hôm nay. Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bài toán rất lớn đặt ra với Chính phủ hiện nay là làm sao tiếp cận tốt nhất, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là cánh cửa, cũng là lời giải cho bài toán trên. Đây là cơ hội mà tôi cho là ngàn năm có một. Việt Nam phải tập trung khai thác triệt để mọi lợi thế, cơ hội của công nghệ”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng vào cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo có thể góp phần tham gia vào các giải pháp cần thiết để Việt Nam “bắt kịp, đi cùng và vượt lên” các nền kinh tế khác trên thế giới. “Đặc biệt, đội ngũ trí thức trẻ người Việt đã và đang cống hiến nhiều chất xám ở các nền kinh tế phát triển, các tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ giúp đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn với cộng đồng nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Dù bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới, nhưng so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. “Bộ KH&ĐT cam kết sẵn sàng đối thoại với các đơn vị liên quan trong hệ sinh thái, cũng như tạo cơ hội để các startup tiếp cận nguồn vốn không chỉ giới hạn trong thị trường Việt Nam mà có thể vươn ra phát triển trên các thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Việc Golden Gate Ventures thay mặt nhóm các quỹ đầu tư cam kết rót 10.000 tỷ đồng cho giới startup Việt trong khoảng 3 năm tới đã chứng minh những nỗ lực thời gian qua của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. “Cơ hội của các startup Việt cũng là cơ hội cho chính chúng tôi khi rất nhiều tiềm năng đang được ươm tạo bởi Chính phủ”, ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ này nhận định.