Đối mặt nhiều khó khăn, biên lợi nhuận của nhà thầu xây dựng giảm sút

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Xây lắp Tân Thắng hiện đang thi công một số dự án giao thông, xây lắp dân dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có những công trình quy mô hàng trăm tỷ đồng như tuyến mương tiêu thoát nước dọc các tuyến đường V. I. Lê Nin, Trường Thi, TP. Vinh... Trong quá trình thi công các dự án này, Nhà thầu gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Tân Thắng

Khó khăn đầu tiên ảnh hưởng đến tiến độ dự án là khâu giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, tại một số dự án giao thông, hạ tầng, diện tích đất và khối lượng tài sản hình thành trên đất cần giải phóng và thu hồi là rất lớn. Trong khi đó, cơ chế, chính sách đền bù chưa linh hoạt, thỏa đáng, dẫn tới sự không đồng thuận của chủ thể hưởng bồi thường, làm kéo dài tiến độ dự án. Đơn cử như có những hợp đồng xây dựng được Công ty ký kết từ năm 2017, 2018, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa dứt điểm. Dự án bị kéo dài, trong khi nhà thầu không được hưởng cơ chế điều chỉnh, bù đắp các yếu tố trượt giá, cùng với việc phải duy trì bộ máy vận hành, các khoản vay... khiến Công ty thiệt đơn, thiệt kép. Thực tế, biên lợi nhuận năm 2022 của Công ty giảm hơn 15% so với năm 2021.

Bên cạnh đó là tình trạng nợ đọng xây dựng. Nhiều dự án thi công trên các địa bàn, khu vực vùng sâu, vùng xa, chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn, làm phát sinh nợ xấu kéo dài, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động quay vòng vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tôi, cần sớm có quy định để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ví dụ, nên có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích bố trí vốn cho các chủ đầu tư tuân thủ quy định về quyết toán dự án hoàn thành và ngược lại. Đồng thời, cơ quan chức năng cần bám sát, kịp thời xử lý vi phạm đối với công tác hoàn ứng, thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu.

Chuyên đề