Bên tượng đài Mẹ Việt Nam, các doanh nhân hát Quốc ca, hướng về biển Đông trong Chương trình Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 |
Sau khi thành lập chính quyền công nông, trở thành quốc gia tự do và độc lập đầu tiên ở Đông Nam Á, Việt Nam đã phải bước vào các cuộc kháng chiến kéo dài suốt 30 năm. Trong khói lửa chiến tranh liên miên, tinh thần kinh doanh, phát triển kinh tế của người dân vẫn được nuôi dưỡng bền bỉ. Trong kháng chiến chống Pháp, tinh thần ấy được kết tinh thành khẩu hiệu “Kháng chiến, Kiến quốc”, biểu hiện bằng việc khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; vận động xây dựng nhà máy, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự. Các chợ, luồng giao thương hàng hóa đường dài vẫn phát triển để phục vụ chiến sỹ và nhân dân trên các nẻo đường chiến dịch.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chủ trương xây dựng miền Bắc thành “hậu phương lớn”, với tinh thần “hậu phương thi đua với tiền phương”. Giữa những đợt máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, là hậu phương nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch cải tạo, phát triển kinh tế để tự lực, tự cường, chứ không hoàn toàn trông chờ vào viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới bắt đầu có nguồn mạch từ thời kháng chiến chống Mỹ với chính sách “khoán hộ” trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Chủ trương “khoán hộ” là hướng đi tích cực trong việc tìm tòi một cách thức làm ăn mới, một phương thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của họ nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn để hình thành chính sách, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trước những khó khăn gay gắt của thời hậu chiến, tại các địa phương, những dấu hiệu của đổi mới tư duy trong chỉ đạo phát triển kinh tế đã xuất hiện. Những bài học về giải phóng sức sáng tạo và làm chủ của nhân dân, về tự chủ sản xuất kinh doanh, xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” để phát triển kinh tế đã hình thành đường lối Đổi mới…
Việc hình thành, đẩy mạnh công cuộc Đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng trong hơn 30 năm qua đã đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, một vị thế mới... Cùng với quá trình ấy là hành trình hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách nhằm nêu cao vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.
Nhiều doanh nhân hàng đầu của Việt Nam đã lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu, đóng góp cho thế giới những kinh nghiệm mới về phát triển kinh tế, rất đáng ngưỡng mộ. Những tên tuổi ấy lại là những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão, kiên định việc dốc hết vốn liếng để đầu tư phát triển tại đất nước của mình. Họ mang lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Họ sẽ là nhân vật trung tâm, là những người dẫn đầu trong tiến trình hình thành một đội ngũ doanh nhân đông đảo của đất nước. Chính đội ngũ này là trụ cột cho công cuộc kiến tạo, truyền cảm hứng, dẫn dắt và sáng nghiệp cho nhân dân trên con đường nỗ lực phát triển, mang đến thịnh vượng cho quốc gia, tạo nên nền tảng văn minh và dân chủ cho xã hội.
Khi dân gian truyền tụng câu “Phi thương bất phú” trong thời gian dài thì nghĩa của danh từ thương nhân đồng nghĩa với doanh nhân ngày nay. Vào thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784), với những tri thức và nhận định mẫn tiệp, khi bàn về lẽ thịnh suy của đất nước, đã viết: “Phi nông bất ổn/Phi công bất phú/Phi thương bất hoạt/Phi trí bất hưng”. Lê Quý Đôn đã bàn luận về sự liên kết vai trò của 4 thành phần xã hội là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức làm rường cột phát triển kinh tế và xã hội. Từ đây mà ngẫm nghĩ để thấy rằng, doanh nhân thời nay có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự hưng thịnh của quốc gia. Doanh nhân ngày nay là người tổ chức sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, là người tạo nên thương hiệu và phát triển thị trường. Nhiều doanh nhân cũng là những trí thức lớn hoặc là những người trẻ có học thức cao, được đào tạo kỹ càng từ các trường học danh tiếng trong nước và quốc tế. Có thể nói, doanh nhân ngày nay là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức gộp lại trong một con người, với những hàm nghĩa rộng rãi và hiện đại.
Thời gian gần đây xuất hiện một danh xưng mới, đó là “doanh nhân dân tộc”. Khái niệm “dân tộc” được gắn với “doanh nhân” như một phẩm tính, một hàm nghĩa đầy tự hào. “Doanh nhân dân tộc” là những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng lớn, lan tỏa mạnh mẽ, là tấm gương hướng đến công cuộc khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu, hướng đến cộng đồng trong phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế.
Doanh nhân dân tộc là những người có sự nghiệp kinh doanh thành công hàng đầu ở tầm cỡ quốc gia. Bằng thành công của mình và doanh nghiệp của mình, doanh nhân ấy trở nên có vị thế lớn, có tác động và ảnh hưởng tới xu thế phát triển kinh tế cũng trong tầm cỡ quốc gia. Ngoài việc làm nên danh tiếng, của cải, tiền bạc cho mình và doanh nghiệp của mình, doanh nhân dân tộc là những người biết chia sẻ lợi nhuận vì lợi ích của cộng đồng, có đóng góp lớn lao vào sự phát triển thể chất, sáng tạo, tinh thần, văn minh của người Việt và mang lại niềm tự hào đích thực cho người Việt.