Doanh nghiệp xây dựng khởi sắc nhờ đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên cạnh nguồn công việc lớn từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, việc tiết giảm chi phí lãi vay, cải thiện biên lợi nhuận gộp là động lực tăng trưởng cho kết quả kinh doanh quý III/2024 và 9 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp xây dựng.
(Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp, Đơn vị tính: tỷ đồng)
(Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp, Đơn vị tính: tỷ đồng)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Giao thông Đèo Cả), doanh thu thuần đạt 794 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 5,1%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.298 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 367 tỷ đồng, tăng lần lượt 25,9% và 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ hoạt động thu phí BOT (63%) và hoạt động thi công xây lắp (34%). Trong đó doanh thu xây lắp tăng hơn 29%, đạt gần 774 tỷ đồng, đến từ nhiều công trình như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu…

Đối với hoạt động đầu tư, Giao thông Đèo Cả đã tham gia vào một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm: chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân, hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), biên lợi nhuận gộp cải thiện đã giúp doanh nghiệp này báo lãi ròng quý III/2024 cao gấp 5,4 lần cùng kỳ năm 2023, đạt 147 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thuần chỉ tăng trưởng 12%, đạt 2.675 tỷ đồng. Nguồn việc chính của Vinaconex đến từ các gói thầu xây lắp tại Dự án Nút giao Phú Thứ (Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông…

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Vinaconex đạt 8.139 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lãi ròng tăng gấp 3,7 lần, đạt 765,6 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây lắp chiếm tới 67,5%, đạt 5.492 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán DSC, kết quả kinh doanh của Vinaconex sẽ tiếp tục tăng tốc trong quý IV/2024. Mảng xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với loạt dự án đầu tư công “gối đầu” như đường Vành đai 3 - TP.HCM, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các đoạn tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Bãi Vọt - Hàm Nghi...

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2024. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 789,8 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, tăng 11% và 92,3% so với cùng kỳ 2023. Công ty CP LIZEN báo lãi ròng 36,5 tỷ đồng, tăng 51,4%. Tổng công ty Xây dựng số 1 lãi ròng quý III/2024 tăng 57,8%, đạt 29,2 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch và đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm là rất lớn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn.

Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) đánh giá, đặc thù dòng tiền của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng là thường khá dồi dào trong giai đoạn đầu của chu kỳ thi công dự án nhờ tiền tạm ứng. Tận dụng giai đoạn nguồn vốn thuận lợi, các doanh nghiệp đã thanh toán bớt nợ vay, cải thiện cơ cấu tài chính. Tuy vậy, việc thanh toán dựa theo tiến độ công trình trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành nên những doanh nghiệp chậm tiến độ hoặc gặp khó khăn trong quyết toán, nghiệm thu, hay chi phí thực tế quá xa so với định mức sẽ gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn tạm ứng về cơ bản được sử dụng hết, thì nguồn tài chính của các nhà thầu phụ bắt đầu thiếu hụt và cần bù đắp bởi nhà thầu chính. Do vậy, VCBS đánh giá sẽ có sự phân hóa về biên lợi nhuận giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chuyên đề