Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp, gia công. Ảnh: Tiên Giang |
Tuy nhiên, sau gần 10 năm gia nhập WTO, các DN dân doanh trong nước phần lớn vẫn đang quẩn quanh ở thị trường nội địa. Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN sẽ vươn ra thị trường thế giới như thế nào?
Quẩn quanh ở thị trường nội địa
Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các DN trong nước vừa được hưởng lợi từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, vừa được tiếp cận với thị trường thế giới, qua đó tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả điều tra về nhóm khách hàng chính của DN dân doanh trong điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cho thấy, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngay cả các “ông lớn” trên sân nhà cũng chỉ vươn ra thị trường nước ngoài ở một tỷ lệ tương đối khiêm tốn (24%).
Sự liên kết giữa các DNNVV với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng tương đối hạn chế. Kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy chỉ có khoảng 3 - 4% DN siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các DN FDI; tỷ lệ quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là các DN FDI dù cao hơn, song cũng chỉ ở mức lần lượt là 7% và 11%.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên nhân có thể xuất phát từ những hạn chế liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, chất lượng của các DN FDI tại Việt Nam. Mặt khác, DN FDI hoạt động tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp cho thấy, họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia. Do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm, nghĩa là họ lại trở thành đối thủ cạnh tranh của DN nội.
Ngoài ra, các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các DN FDI hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thấp và sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. Các nhà cung cấp của Việt Nam thường chỉ tạo ra được những liên kết với các DN FDI trong các lĩnh vực công nghệ thấp với cách biệt trình độ công nghệ không quá lớn.
“Mắt xích” nào cho Việt Nam
Các chuyên gia đều nhận định rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV, có nhiều điểm hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như vị thế cạnh tranh, khả năng tham gia phân công lao động quốc tế còn thấp, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh. Do đó, phần lớn DN Việt Nam chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp, gia công.
Một điểm yếu nữa của các DN Việt Nam là thiếu sự liên kết giữa các DN với nhau khi tham gia chuỗi cung ứng. Trong khi đó, trong chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, không chỉ một DN đứng ra sản xuất, mà có thể hợp tác với các DN khác để chuyên môn hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất.
Tại Hội nghị “Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức mới đây, ông Nestor Scherbey, Chuyên gia tư vấn cao cấp của tổ chức Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) đưa ra khuyến nghị, hoạt động thương mại của thế kỷ 21 đòi hỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp để lưu chuyển hàng hóa trung gian và thành phẩm đi khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Scherbey, với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật, chính quyền các tỉnh cần thực hiện các cuộc khảo sát về các DN FDI để xác định cụ thể những loại nguyên liệu và hàng hóa trung gian mà các nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp cho DN FDI để đảm bảo sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu đủ điều kiện được hưởng ưu đãi của TPP và EVFTA.
Bên cạnh đó, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN cần xác định lựa chọn sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều DN của nhiều nước tham gia, vấn đề là sản phẩm của DN Việt Nam sẽ đứng ở đầu hay ở cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; và sản phẩm đó có phải là then chốt, lợi thế không?
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, trước tiên phải chấp nhận phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế dựa vào các công ty môi giới, sau đó từng bước xây dựng mạng lưới phân phối; nên tiếp cận với những thị trường "gần nhà” trước, sau đó mới tiến đến các thị trường tiềm năng khác.