Những bất cập, hạn chế liên quan tới thực hiện chính sách và thủ tục hành chính thuế làm doanh nghiệp lãng phí nhiều thời gian và tiền bạc. Ảnh: Nguyên Phạm |
Có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, khi thanh toán tiền hàng hoá dịch vụ cho đối tác, DN này thường xuyên phải kiểm tra bộ hồ sơ để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và hợp pháp, trong đó có việc kiểm tra thông tin hoá đơn của các nhà cung cấp trên trang web của Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, đã có trường hợp, thông tin hóa đơn của nhà cung cấp không có trên trang web của Tổng cục Thuế, nhưng thực tế hoá đơn nhà cung cấp lại là hoá đơn được mua từ cơ quan thuế. Do vậy Petrolimex không đối chiếu được thông tin này.
Ngược lại có trường hợp, tại thời điểm thanh toán, sau khi tra cứu thông tin hóa đơn của nhà cung cấp trên trang web và thấy hợp lý, hợp lệ, Petrolimex tiến hành thanh toán. Tuy nhiên một thời gian sau, thông tin về DN/nhà cung cấp bỏ trốn/đóng mã số thuế trước thời điểm phát hành hoá đơn mới được đăng trên trang web của Tổng cục Thuế.
Theo Petrolimex, việc cập nhật không kịp thời này khiến DN gặp rất nhiều rủi ro trong thanh toán và khấu trừ thuế cũng như hạch toán chi phí khi tính thuế thu nhập DN.
Đây chỉ là một trong các ví dụ cho thấy, quá trình cải cách các thủ tục về thuế của cơ quan nhà nước đã được thúc đẩy song vẫn còn nhiều điểm chưa tạo thuận lợi, thậm chí gây rủi ro cho DN.
Từ góc độ tổ chức đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: “Nhiều thủ tục hành chính thuế là nguyên nhân chủ yếu khiến các DN Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, làm tăng chí phí khi thực hiện”.
Cần tích cực và chủ động phối hợp
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, chính sách thuế nói chung và thủ tục hành chính thuế nói riêng của Viện Nam khá phức tạp, lại thay đổi tương đối nhanh khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi.
Trong khi đó, việc trả lời các vướng mắc của một số cơ quan thuế chưa kịp thời khiến DN phải tự tìm hiểu, dễ bị nhầm lẫn hoặc thực thi không chính xác, dẫn đến việc DN lại phải mất thời gian tới cơ quan thuế để điều chỉnh.
Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thuế chậm ban hành, hoặc thiếu, hoặc không thống nhất khiến DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh như điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, làm gia tăng chi phí, thời gian…
Ví dụ điển hình là việc thực hiện hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ theo Nghị định số 119/2018/NĐ- CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, hiện tại Nhà nước chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên không chỉ DN, mà cả cơ quan thuế cũng gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về hóa đơn và hóa đơn điện tử còn mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, khiến các DN không biết làm sao cho đúng.
Thêm vào đó, theo vị Phó Chủ tịch VCCI, một trong những nguyên nhân nữa gây khó cho DN là thiếu sự phối hợp của cán bộ cơ quan thuế.
“Hầu hết DN đều có những sai sót khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế lần đầu, tuy nhiên, việc nhận được hướng dẫn cụ thể từ cán bộ thuế là chưa nhiều, khiến DN thường phải làm nhiều lần mới có thể hoàn thành, làm tăng chi phí khi thực hiện”, ông Phòng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những vướng mắc của DN liên quan tới thực hiện chính sách và thủ tục hành chính thuế chưa nhận được những giải đáp kịp thời của cơ quan thuế, điển hình là về các vấn đề nợ thuế, thông báo nợ thuế và phạt nộp chậm thuế.
“Có trường hợp DN nhận được thông báo nợ thuế qua đường công văn, nhưng các thông báo lại không chính xác do hệ thống ghi nhận hạch toán sai. Do đó, DN mất rất nhiều thời gian để liên lạc và giải trình nhưng không nhận được phản hồi kịp thời để xóa bỏ dư nợ thuế”, ông Phòng cho biết.
Từ những hạn chế nêu trên, VCCI kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vướng mắc của DN.
“Cơ quan thuế nên phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giúp hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN được giải quyết nhanh chóng; phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai giúp giảm thời gian đi lại và thời gian giải quyết hồ sơ của người có quyền sử dụng đất; trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, giúp DN loại bỏ tờ khai hải quan khi thực hiện đề nghị hoàn thuế…”, ông Phòng nhấn mạnh.