Doanh nghiệp vẫn ngại với kiểm tra, thanh tra thuế

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp mong muốn cơ quan thuế sớm công bố danh sách và nội dung kiểm tra, thanh tra thuế để họ có đủ thời gian thuẩn bị. Đồng thời, cần tránh chồng chéo và trùng lắp giữa các cuộc kiểm tra, thanh tra.
Doanh nghiệp than phiền vì phải đối mặt với nhiều đợt kiểm tra và thanh tra về thuế
Doanh nghiệp than phiền vì phải đối mặt với nhiều đợt kiểm tra và thanh tra về thuế

Sẽ công bố danh sách doanh nghiệp bị “soi”

Nội dung kiểm tra, thanh tra thuế được đề cập tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Trong đó, Khoản 3 Điều 110 về kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế quy định: “Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 3 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký”.

Liên quan đến nội dung này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) có ý kiến cho biết, rất nhiều cán bộ thuế chỉ mang quyết định vào ngày kiểm tra thuế, khiến người nộp thuế không thể chuẩn bị kịp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế địa phương thường nói rằng, họ công bố thông tin cho người nộp thuế, tuy nhiên, người nộp thuế không biết cách tiếp cận nguồn thông tin này do không có quy định.

Từ bất cập đó, VBF cho rằng, cần có quy định: ít nhất 10 ngày trước khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế, cơ quan thuế gửi quyết định kiểm tra thuế cho người nộp thuế. Đồng thời, cần bổ sung quy định công bố danh sách đối tượng kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho năm tiếp theo vào cuối năm trước đó để người nộp thuế có thời gian chuẩn bị.

Trả lời nội dung này, theo Tổng cục Thuế, Luật đã có quy định về thời gian để chuẩn bị hồ sơ tài liệu kể từ ngày quyết định kiểm tra được ban hành. Trường hợp người nộp thuế cần thêm thời gian để chuẩn bị hồ sơ, người nộp thuế có văn bản đề nghị hoãn thời gian kiểm tra để chuẩn bị tài liệu theo quy định.

Về đề xuất bổ sung quy định công bố danh sách đối tượng kiểm tra thuế cho năm tiếp theo, Tổng cục Thuế cho biết đã ghi nhận ý kiến này để có hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật.

Về nguyên tắc kiểm tra, thanh tra thuế, VBF đề nghị bổ sung nguyên tắc: “Không kiểm tra, thanh tra chồng chéo, trùng lặp về số lần thực hiện, nội dung, phạm vi và số lượng các đoàn thanh, kiểm tra”.

Tuy nhiên, phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế cho biết, nội dung này đã được bao hàm tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 107 của Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế phải tuân thủ quy định của luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế.

Công bằng thuế để thu hút đầu tư

VBF cho rằng, cần có quy định: ít nhất 10 ngày trước khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế, cơ quan thuế gửi quyết định kiểm tra thuế cho người nộp thuế.
Liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế Việt Nam trong thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận xét, những tiến bộ gần đây đã thể hiện cam kết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc giảm bớt gánh nặng ở giai đoạn kê khai và các chương trình này giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành viên của AmCham phải đối mặt với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra và thanh tra về thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu các cơ quan thuế địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo thời gian kiểm toán ứng với kỳ kế toán theo quy định pháp luật và yêu cầu các cán bộ dẫn chiếu tới các điều luật cụ thể và chi tiết khi thực hiện đánh giá lại nghĩa vụ thuế. Chính sách thuế và việc triển khai công bằng là yếu tố quan trọng để thu hút những nguồn đầu tư mới, đồng thời giúp duy trì và phát triển nguồn đầu tư hiện có”, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam kiến nghị.

Trả lời ý kiến của AmCham, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: “Việc thực hiện khai thuế cũng như thu thuế của cơ quan thuế phải thực hiện theo quy định của pháp luật thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam hội nhập sâu với thế giới và khu vực cũng đòi hỏi chính sách thuế cần được rà soát, cơ cấu lại. Một nguyên tắc cơ bản mà Bộ Tài chính đã, đang và sẽ thực hiện là chính sách thuế phải làm sao tiếp tục công khai, minh bạch, rõ ràng đồng thời phải khuyến khích thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển”.

Bà Mai nói thêm, việc thanh kiểm tra của cơ quan thuế được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro. Theo đó, với những doanh nghiệp thực hiện tốt và chấp hành pháp luật thuế tốt thì cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ và và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện và thanh tra kiểm tra trên cơ sở doanh nghiệp có rủi ro về thuế, đây cũng là nguyên tắc quản lý thuế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư