Năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rất thấp. Ảnh: Lê Tiên |
Đố là những thách thức của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong trung hạn vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ ra trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây.
Thách thức đến từ nhiều phía
Trong nền kinh tế thị trường, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vai trò của kinh tế tư nhân rất quan trọng. Ở Việt Nam đang diễn ra quá trình chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ hiện nay là phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân, theo đó phải vượt qua 2 rào cản. Thứ nhất là phải thay đổi về nhận thức, phải coi kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế tốt để khuyến khích, cái này đã làm được, tiến được một bước nhưng ở một mặt nào đó, thành phần kinh tế này vẫn đang chịu thiệt thòi. Thứ hai là phải tạo điều kiện để kinh tế tư nhân được cạnh tranh công bằng và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nghĩa là phải được tiếp cận một cách công bằng các nguồn lực một cách lành mạnh; đồng thời phải có những tổ chức đứng ra hướng dẫn, khuyến khích họ phát triển về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng rất thẳng thắn cho rằng, trên thực tế hiện nay, nhìn tổng thể, số lượng thành lập doanh nghiệp tư nhân mới nhiều hơn nhưng tinh thần khởi nghiệp chưa cao. Số lượng doanh nghiệp thì đông nhưng hiệu quả hoạt động thấp, năng suất lao động cũng thấp và khả năng tìm tòi thị trường, khả năng sáng tạo để làm ăn hiệu quả, vươn ra thị trường nước ngoài là không cao. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định: “Thách thức đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất lớn, họ đang phải chịu rất nhiều rào cản để có thể phát triển. Thách thứ đầu tiên là môi trường, gồm môi trường khởi nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực. Hiện Việt Nam đang thiếu những “vườn ươm” doanh nghiệp để giúp họ nuôi dưỡng ý tưởng, đào tạo kinh nghiệm quản lý và tư vấn, hỗ trợ khung pháp lý, chính sách hoạt động. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được tiếp cận một cách bình đẳng các nguồn lực quốc gia, cạnh tranh không bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, điều này đã làm thui chột sáng tạo hoặc làm cho doanh nghiệp tư nhân không phát huy được sáng kiến của mình trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, một thách thức khác của doanh nghiệp tư nhân khi gia nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường quốc tế, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tỏ ra rất yếu thế bởi năng suất lao động thấp, khoa học công nghệ lạc hậu, quản lý kinh tế yếu kém. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo: “Nếu doanh nghiệp chúng ta không cải thiện triệt để những yếu tố cốt lõi này thì khó có thể tồn tại bền vững được. Bước vào một sân chơi rộng lớn thì giá thành sản phẩm phải cạnh tranh, năng suất lao động phải cao, mà đây lại là những rào cản mấu chốt của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện tại”.
Phải thay đổi tư tưởng “bóc ngắn cắn dài”
“Tôi thật sự lo lắng về xu hướng doanh nghiệp Việt Nam phát triển không theo một quy luật đúng. Doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu đều có bề dày lịch sử phát triển từ thấp đến cao. Càng ngày, doanh nghiệp của họ càng mở rộng và phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh, làm ăn ngày càng chắc chắn hơn. Còn ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp làm ăn có chiến lược lâu dài không nhiều. Cảm nhận của tôi là doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm ăn theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Số lượng doanh nghiệp hoạt động không nhỏ, nhưng số lượng doanh nghiệp có chiến lược làm ăn lâu dài, bền vững từ thấp đến cao là không nhiều. Doanh nghiệp Việt đa số chỉ tập trung vào dịch vụ, ít tập trung vào sản xuất - kinh doanh” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh quan ngại.
Là người đi nhiều, từng giữ nhiều cương vị công tác khác nhau, Bộ trưởng chia sẻ về mong muốn làm sao để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, làm ăn có hiệu quả, nhất là doanh nghiệp tư nhân, để doanh nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, là sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, nhìn vào những rào cản, thách thức, tư tưởng của doanh nghiệp Việt, cả về mặt khách quan và chủ quan, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận: Còn quá nhiều vấn đề để tin rằng mong muốn này sẽ thành hiện thực trong tương lai gần. Điều này có trách nhiệm của Nhà nước, không phải chỉ có trách nhiệm của riêng doanh nghiệp – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn.