Sức khỏe doanh nghiệp tư nhân 2016 nhìn từ chuyện túi tiền quốc gia

Doanh nghiệp tư nhân đang bị chèn lấn và cần có chính sách phát triển, thúc đẩy tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng là thông điệp được nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đưa ra trong năm 2016.
Sức khỏe doanh nghiệp tư nhân 2016 nhìn từ chuyện túi tiền quốc gia

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã bày tỏ nỗi trăn trở cho sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân trong năm 2016. Trao đổi với chúng tôi, TS. Cung cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là tạo thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp tự do kinh doanh mà còn cần phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các thành phần doanh nghiệp.

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế năm 2015 vói những kết quả mà chúng ta đã đạt được?

Là năm kết thúc nhiệm kỳ 2010 – 2015, năm 2015 được đánh giá là năm bắt đầu phát huy kết quả của cải cách thể chế đã triển khai trong gia đoạn 2013 – 2014. Ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và ba yếu tố này phát huy hiệu quả cùng một lúc, cùng thời điểm 2015 làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 7 năm qua, gần đạt được mức phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng cho năm 2016.

Ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng vững chắc hơn, đây là năm bản lề và bắt đầu chuyển tiếp từ trọng tâm chính sách, từ chỗ là ổn định phục hồi sang cải cách và phát triển. Đó là điểm rất quan trọng vì từ thời điểm này, với đà của năm 2015 chúng ta bắt đầu chuyển từ ổn định phục hồi sang cải cách và phát triển.

Thế nhưng, trong ổn định kinh vĩ mô thì ngân sách là điểm đáng lo ngại nhất. Từ chỗ chi tiêu và bố trí cơ cấu ngân sách chưa hợp lý và chi thường xuyên tăng tương đối nhanh, mạnh, vượt qua cả tốc độ và quy mô tăng đầu tư.

Trong khi đó, nguồn thu hạn chế, yếu tố buộc giảm thu lớn như thu thuế xuất nhập khẩu theo cam kết, giá dầu giảm, giảm thu để khuyến khích phát triển kinh tế. Nên khi nhu cầu chi tăng lên mà ta chưa kiểm soát được, do kỷ luật ngân sách còn yếu, thì bội chi ngân sách có vẻ như đang ngày càng gia tăng. Khi bội chi ta phải đi vay đâu đó để bù đắp, trong đó có vay trong nước.

Vậy theo ông áp lực ngân sách chi nhiều hơn thu có tác động như thế nào đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân?

Việc Chính phủ vay nhiều ở trong nước, nhưng nguồn vay lại có hạn, nên khi Chính phủ càng chi tiêu nhiều thì nguồn vốn cho tư nhân càng hạn chế. Bởi khi Chính phủ huy động nhiều, cầu vốn tăng thì giá vốn và lãi suất có xu hướng tăng lên, nhưng doanh nghiệp để phát triển lại phải giảm lãi suất, giảm chi phí vốn.

Đó là mâu thuẫn giữ yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân với chi tiêu Chính phủ. Bởi vậy có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân bị chèn lấn, khi mà trước yêu cầu phát triển, nguồn vốn đáng lẽ ra phải dành cho tư nhân, thì việc Chính phủ vay để chi tiêu nhiều hơn sẽ làm gia tăng chi phí vốn và làm giảm đầu tư của tư nhân, ảnh hưởng cho tăng trưởng kinh tế lâu dài của Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân không những bị chèn lấn mà còn đang rất cô đơn. Ông có nghĩ như vậy?

Doanh nghiệp tư nhân rất bươn chải, nhưng trong bối cảnh năm 2016 bắt đầu chuyển từ ổn định, phục hồi sang cải cách tăng trưởng thì kinh tế vĩ mô ổn định, nên muốn phát huy được thì phải cải cách vi mô và môi trường kinh doanh.

Trong đó, cần tập trung tạo thuận lợi, giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ an toàn cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy tôi cho rằng muốn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phải làm nhiều việc.

Còn với doanh nghiệp Nhà nước thì sao, lâu nay chúng ta vẫn nói chuyện các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng quá nhiều quyền lợi và ưu đãi trong khi doanh nghiệp tư nhân thì không được hưởng nhiều?

Đó cũng là vấn đề. Vì vậy cần tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước. Khối này phải thay đổi, nếu không thì phải chèn lấn khu vực tư nhân, lấy đi nhiều dư địa và cơ hội kinh doanh của tư nhân, mà đáng lẽ rat ư nhân làm tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải thực chất hơn, nghĩa là nhà nước phải thu hẹp phạm vi quy mô lại. Với lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ vốn thì phải nên cổ phần hóa tuyệt đối, tức là Nhà nước không cần nắm giữ vốn hoặc nắm giữ phần nhỏ để tư nhân có thể tham gia, thay đổi quản trị, thay đổi chất để doanh nghiệp hoạt động theo thị trường.

Chúng ta cũng nói nhiều đến câu chuyện ưu đãi, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông các chính sách cần lưu ý thế nào để doanh nghiệp tư nhân không khỏi bị “thiệt thòi”

Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là bình thường và ta lâu nay vẫn có chính sách ưu đãi cho khu vực này. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tư do với EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sẽ mở cửa thị trường hàng hóa và đầu tư.

Chúng ta không thể ngăn cản dòng vốn đầu tư nước ngoài mà cải cách trong nước để nâng tầm thể chế trong nước và tạo ra cơ hội điều kiện để cho doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam tận dụng được cơ hội như các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó là cải thiện môi trường kinh doanh, trọng tâm là Nghị quyết 19 và dài hạn hơn là cải thiện vấn đề cạnh tranh kinh doanh. Ta làm tốt tự do kinh doanh nhưng chưa làm tốt vấn đề cạnh tranh độc lập, bình đẳng.

Tôi cho rằng, tự do kinh doanh mà không kết hợp cạnh tranh công bằng thì sẽ làm thị trường méo mó và làm sai lệch phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực không hợp lý và kém hiệu quả. Việc phân bố nguồn lực là nguyên nhân của những hạn chế của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Phân bố sai lệch là do thể chế và đây một trong những lý do không tạo nên thị trường cạnh tranh và không có thể chế thực thi luật đảm bảo cho thị trường cạnh tranh bình đẳng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư