Doanh nghiệp tư nhân mạnh tay đầu tư ra nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) ngày càng gia tăng, các dự án ĐTRNN cũng rất đa dạng về lĩnh vực và hình thức đầu tư.
Doanh nghiệp tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan về sự lớn mạnh và trưởng thành của DN Việt, thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Gia tăng đầu tư ra nước ngoài

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 8 tháng năm 2020, tổng vốn ĐTRNN đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ KH&ĐT, trước đây, ĐTRNN chủ yếu được dẫn dắt bởi các DN nhà nước (DNNN) hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn (khai khoáng, trồng cây công nghiệp, năng lượng, viễn thông). Từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án ĐTRNN của DNNN và DN có vốn nhà nước giảm mạnh, trong khi DN tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động này. Có thể kể đến một số tập đoàn tư nhân và công ty cổ phần ĐTRNN như: Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Hàng không Vietjet, Thaco, T&T, Vinamilk, TH Truemilk, FPT, Hoàng Anh Gia Lai...

Các dự án ĐTRNN của DN Việt Nam ngày càng đa dạng về thị trường, lĩnh vực và hình thức đầu tư. Ngoài các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Nga…, DN Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, các nước châu Âu và từng bước vươn tới các thị trường xa như châu Mỹ Latinh, châu Phi.

Các hình thức đầu tư được lựa chọn gồm: thành lập tổ chức 100% vốn tại nước ngoài; góp vốn trực tiếp thành lập công ty liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh; mua bán và sáp nhập (M&A); góp vốn, mua cổ phần của các DN nước ngoài... Trong đó, xu hướng M&A ngày càng tăng.

Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, thăm dò, khai thác dầu khí, kinh doanh thương mại, nhiều DN Việt còn đầu tư kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ các loại (viễn thông, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng...).

Thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐTRNN đã triển khai có hiệu quả. Theo Bộ KH&ĐT, xét về lợi ích đối với quốc gia, hoạt động ĐTRNN sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.

Kiểm soát rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Về góc độ quản lý nhà nước đối với các dự án ĐTRNN, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - cho rằng, cần quản lý chặt chẽ về dòng vốn đi/về. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cần quản lý chặt để tránh thâm hụt, thất thoát tài sản, không thu hồi được vốn, sử dụng lãng phí hay tham nhũng, gây ra nợ xấu. Còn đối với dự án dùng vốn tư nhân, cần quản lý dưới góc độ kiểm soát các hoạt động phi pháp, rửa tiền, làm ăn không chính đáng, vi phạm pháp luật của nước sở tại.

Đây cũng là một trong những lý do Dự thảo Nghị định quy định về ĐTRNN bổ sung và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin dòng tiền của dự án ĐTRNN (vốn đã chuyển ra nước ngoài, vốn vay trong dự án) nhằm quản lý vĩ mô về ngoại hối (cân đối ngoại hối, phòng chống chuyển tiền sai mục đích, rửa tiền...) và hạn chế các vi phạm về giao dịch ngoại hối. Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi tình hình lợi nhuận gắn với nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của dự án ĐTRNN.

Luật Đầu tư năm 2020 đã có quy định về việc nhà đầu tư phải chuyển lợi nhuận dự án ĐTRNN về nước (trừ một số trường hợp giữ lại để tăng vốn ĐTRNN, thực hiện dự án mới tại nước ngoài…). Sau khi có quyết toán thuế ở nước ngoài thì nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động kèm báo cáo quyết toán thuế hoặc báo cáo tài chính của dự án tại nước ngoài cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác.

Để tạo thuận lợi cho các DN và rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ ĐTRNN, Dự thảo Nghị định bỏ quy định lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố, vì các cơ quan này không liên quan trực tiếp đến hoạt động ĐTRNN.

Chuyên đề