Doanh nghiệp than khó tiếp cận khoản vay lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Chật vật kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dù từ đầu năm đến nay lãi vay ngân hàng đã giảm, nhưng doanh nghiệp mong mỏi lãi suất cho vay hạ thêm để giảm chi phí. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay khó có thể giảm nữa và đang “đỏ mắt” đi tìm dự án tốt, hiệu quả để cho vay.

Ngân hàng giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay khoảng 2,5 - 3% để đảm bảo hoạt động nên lãi suất khó giảm thêm. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay khoảng 2,5 - 3% để đảm bảo hoạt động nên lãi suất khó giảm thêm. Ảnh: Lê Tiên

Lãi vay vẫn cao

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH TNV cho biết, ba tháng nay doanh nghiệp của ông chưa ký được hợp đồng mới trong khi các dự án cũ sắp hoàn thành. Để giảm chi phí lãi vay trong thời gian chờ ký hợp đồng mới, số vốn kinh doanh 3,5 tỷ đồng vay ngân hàng được gửi ngược lại ngân hàng với kỳ hạn 1 tháng. Lãi vay là 7%/năm nhưng lãi gửi chỉ 2,5%/năm cũng phải chấp nhận. “Hơn 10 năm kinh doanh trong ngành xây dựng nhà xưởng công nghiệp, việc luôn chờ tiền, dự án ngóng vốn để triển khai. Còn năm nay thì trái ngược hoàn toàn, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 khiến tiền phải nằm chờ hợp đồng, vốn vay lại phải mang gửi tiết kiệm”, ông Kiên than thở.

Trong khi đó, ông Đặng Xuân Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư Phúc Anh chia sẻ, dù có việc để làm nhưng doanh nghiệp chịu nhiều áp lực, trong đó có lãi suất cho vay khá cao, quanh mức 8,5 - 9%/năm. So với đầu năm, lãi vay chỉ giảm 0,5 - 1%/năm. Thực tế, một số ngân hàng khác cũng mời lãi suất cho vay khoảng 7%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chuyển sang vay ngân hàng có lãi thấp hơn được do toàn bộ tài sản đã được thế chấp rồi. Muốn vay ở ngân hàng khác thì phải trả hết nợ cũ. Thêm nữa, hồ sơ, thủ tục vay phải làm lại từ đầu rất mất thời gian. Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Đặng Xuân Anh kiến nghị ngân hàng hạ thêm lãi suất cho vay.

Ngoài việc lãi vay cao, ông Đặng Xuân Anh cũng chia sẻ, doanh nghiệp còn bị quay như chong chóng vì phải lo trả nợ cho ngân hàng. Thực tế, hợp đồng khoản vay là 1 năm, song ngân hàng yêu cầu 6 tháng phải trả đủ cả gốc lẫn lãi. Trong khi dự án vẫn đang được triển khai, dòng tiền chưa về nên đến gần ngày trả nợ, doanh nghiệp phải xoay nguồn khác để trả cho ngân hàng. Trả nợ xong, ngân hàng lại giải ngân bình thường. Với cách làm này, có thể hiểu ngân hàng muốn kiểm tra “sức khỏe”, khả năng tài chính của doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro cho khoản vay.

Ngân hàng nói lãi suất khó giảm thêm

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019. Trong đó, một số ngân hàng giảm từ 1 - 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.

Phản hồi về việc có khách hàng kêu lãi suất cho vay cao, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, cần phân loại mục đích sử dụng vốn và kỳ hạn vay. Nếu khoản vay để sản xuất kinh doanh thì lãi suất sẽ thấp hơn là cho vay tiêu dùng, hay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Bởi nguyên tắc rủi ro cao thì lãi suất vay sẽ cao.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thanh khoản tốt, các ngân hàng “đỏ mắt” đi tìm dự án hiệu quả để cho vay. Cái chính bây giờ không phải là lãi vay cao hay thấp, mà quan trọng là nhu cầu vốn của nền kinh tế giảm mạnh. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, nếu dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi, lãi suất cho vay ngắn hạn tại ngân hàng này khoảng 6%/năm, còn kỳ hạn dài khoảng 7,5 - 8%/năm. Cá biệt có những dự án hiệu quả, khách hàng truyền thống thì chỉ phải trả lãi chưa đến 5%/năm. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Vietcombank vừa công bố giảm lãi suất cho vay mức 1%/năm cho tất cả doanh nghiệp đang có dư nợ và khoản vay mới tại ngân hàng này từ ngày 15/12/2020 đến ngày 15/3/2021. Ước tính với đợt giảm lãi suất này, Vietcombank giảm khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi liệu lãi suất cho vay có thể giảm thêm, ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay theo tín hiệu thị trường. Còn một vị lãnh đạo ngân hàng tại Hà Nội đưa ra nhận định, lãi vay khó có thể hạ thêm trong thời gian tới do lãi suất đầu vào không thể hạ thêm được nữa. Các ngân hàng phải giữ mức chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay khoảng 2,5 - 3% để đảm bảo chi phí hoạt động. Mặt khác, các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cho những khoản tiền huy động gửi dài hạn từ giữa năm về trước có lãi suất 7%/năm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng phải tính toán nguồn xử lý nợ xấu do ảnh hưởng của Covid-19, nên lãi suất cho vay từ nay đến những tháng đầu năm 2021 sẽ ổn định ở mức như hiện nay.

Chuyên đề