Doanh nghiệp lớn lạc quan trước tác động của TPP

Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam năm 2016 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam vừa thực hiện cho thấy, sau khi trải qua năm 2015 đầy biến động, các doanh nghiệp lớn trong nước lạc quan với tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khảo sát được thự hiện dựa trên ý kiến của 1.000 doanh nghiệp lớn trên cả nước.
44% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng, kết quả kinh doanh cơ bản sẽ tốt lên sau 5 năm nữa
44% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng, kết quả kinh doanh cơ bản sẽ tốt lên sau 5 năm nữa

Trong năm 2015, mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi khá ấn tượng. Dưới góc nhìn của khối doanh nghiệp lớn, có đóng góp nhất định vào tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, hầu hết đánh giá tích cực về những thành quả đã đạt được trong năm qua.

Cụ thể, có đến 57% doanh nghiệp được kháo sát cho biết, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ trong năm 2015 có chuyển biến tích cực.

Với dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7% và tốc độ tăng CPI dưới 5%, gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi lạc quan và tin tưởng vào tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý I/2016 cũng như 5 năm tới. Theo đó, trong ngắn hạn, tổng thể tình hình sản xuất - kinh doanh được 48,1% doanh nghiệp nhận định sẽ tăng lên; 9% đánh giá bi quan và số còn lại cho rằng, hoạt động của họ về cơ bản giữ mức ổn định như năm 2015.

Về dài hạn, 44% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng, kết quả kinh doanh cơ bản sẽ tốt lên sau 5 năm nữa.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam cho biết, họ lạc quan trước ảnh hưởng của hầu hết các cam kết của TPP đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, các cam kết về cạnh tranh (bao gồm các nguyên tắc chống độc quyền, tăng cường cạnh tranh lành mạnh) được 88% doanh nghiệp đồng tình.

Các cam kết quan trọng khác đều nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp. Như cam kết về việc doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các doanh nghiệp tư nhân nhận được 86,4% số doanh nghiệp được hỏi đồng tình; mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan nhận được 78,4%; hay cam kết về môi trường, lao động phát triển bền vững có 71,4% doanh nghiệp đồng tình.

Một điểm khá bất ngờ là, khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với các đối thủ thuộc khối TPP, các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra tự tin vào tiềm lực và khả năng của mình. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam tự tin nhất vào yếu tố nguồn cung ổn định, khi không có doanh nghiệp nào cho rằng đây là bất lợi khi tham gia TPP.

Bản báo cáo cũng chỉ ra những giải pháp ưu tiên hỗ trợ từ Chính phủ khi Việt Nam tham gia TPP. Trong đó, giải pháp “Đơn giản hóa và giảm gánh nặng của các thủ tục hành chính vào các doanh nghiệp” đứng đầu, với 77% doanh nghiệp được hỏi đồng tình. Hai giải pháp tiếp theo có tỷ lệ đồng tình ở mức 75,9% là “Nâng cao tính hiệu lực và minh bạch của các quy định, chính sách” và “Đảm bảo ổn định vĩ mô”.

Các giải pháp còn lại là “Tăng cường hỗ trợ thông qua gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế” và “Cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải” chiếm tỷ lệ lần lượt là 64,8% và 63%.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư