Mặt bằng lãi suất năm nay chịu áp lực lớn với tác động từ cả bên ngoài và nội tại nền kinh tế |
Đối phó với khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cố gắng chuyển sang nguồn vốn vay giá rẻ hơn, giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm những nguồn cung cấp đầu vào có giá cả thấp hơn hoặc cho chậm trả. Dù vậy, giá cả hàng hóa khó có thể không tăng.
Phản ứng dây chuyền
Sau đợt tăng lãi suất trong tháng 8 và tháng 9, các ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 10 với bước tiến khoảng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm tùy theo các kỳ hạn tiền gửi. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có khoảng cách khá rộng giữa các ngân hàng. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn này của các ngân hàng thương mại quốc doanh phổ biến ở mức 6,6% - 6,9%, thấp hơn hẳn mức 6,6% - 8,4% của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Xu thế tăng lãi suất huy động của các ngân hàng đã được dự báo từ trước với cú hích từ đợt tăng lãi suất cuối tháng 9 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16/2018/TT-NHNN quy định từ ngày 1/1/2019, tại các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống còn 40% là tín hiệu về việc siết tín dụng và buộc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động để đáp ứng yêu cầu này.
Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đã tăng 3,57% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ còn giữ một khoảng cách rất nhỏ so với mục tiêu 4% của Quốc hội. Đồng thời, lạm phát tiếp tục chịu sức ép từ các biến động kinh tế trong và ngoài nước. Đây là những yếu tố khiến cơ quan điều hành chính sách tiền tệ càng thận trọng hơn trong việc điều tiết lượng cung tiền cho nền kinh tế. Hơn nữa, cuối năm cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để phục vụ sản xuất kinh doanh, nên cán cân cung - cầu tiền tệ lệch về phía cầu.
Trước xu thế đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, đã có ngân hàng gọi điện thông báo có thể sẽ phải tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới do lãi suất đầu vào đã tăng.
“Thật sự đáng ngại, bởi 3 tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp phải tăng lượng nguyên liệu đầu vào cho vụ sản xuất hàng hóa chuẩn bị dịp Tết. Do đó, lãi suất cho vay tăng đồng nghĩa với giá vốn hàng hóa tăng. Như vậy, giá bán hàng hóa khó có thể giữ nguyên ở mức trước đây. Đây là tác động dây chuyền bởi không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất cũng tăng giá bán ra do giá vốn tăng”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định này, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chịu tác động đáng kể bởi vốn vay ngân hàng là nguồn vốn quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tiết giảm chi phí tối đa để giá bán không tăng quá cao làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.
Ứng phó của doanh nghiệp và Chính phủ
Hiện tượng tăng lãi suất vẫn thường gặp vào dịp cuối năm ở những năm trước, song mặt bằng lãi suất năm nay chịu áp lực lớn hơn với tác động từ cả bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Để ứng phó với diễn biến này, ông Quốc Anh cho biết, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn rẻ hơn bằng những gói cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ tìm các đối tác cung cấp đầu vào cho phép trả chậm, thương lượng để thuyết phục những người mua hàng chấp nhận mức giá bán cao hơn.
Theo ông Quốc Anh, để vượt qua khó khăn và tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp rất cần sự chung tay của Chính phủ. Chính phủ đã có Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết 01/NQ-CP trong những năm gần đây đều nêu rõ các biện pháp hỗ trợ và ưu tiên phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, phần mềm. “Nên thúc đẩy thực hiện các chủ trương này một cách thiết thực bằng việc hỗ trợ nguồn vốn có lãi suất thấp cho các doanh nghiệp, bởi đây là những doanh nghiệp góp phần tạo nên sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế và xã hội”, ông Quốc Anh nói.
Từ góc độ vĩ mô, ông Đặng Đức Anh cho rằng, điều đáng ngại là động thái tăng lãi suất dẫn đến tăng giá bán hàng hóa trên thị trường có thể gây khó cho nỗ lực kiềm chế lạm phát. “Mặt bằng giá cả hàng hóa năm nay đã chịu tác động từ nhiều yếu tố như giá dầu, FED tăng lãi suất. Do đó, để giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay và khống chế lạm phát trong năm sau, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ thực thi các chính sách tiền tệ thận trọng hơn theo hướng tiếp tục siết chặt tín dụng. Song, điều đó có thể lại đẩy lãi suất tăng cao”, ông Đức Anh bình luận.