Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khó tiếp cận vốn

(BĐT) - Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xác định mang tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 
Trên 50% doanh nghiệp được điều tra chưa biết đến các hình thức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhà nước
Trên 50% doanh nghiệp được điều tra chưa biết đến các hình thức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhà nước

Tuy nhiên, kết quả điều tra thử nghiệm trên 8.000 DN thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố ngày 28/8 cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ DN Việt Nam ĐMST từ phía Nhà nước chưa đến với nhiều DN hoặc chỉ đến với DN lớn.

Đổi mới sáng tạo bằng vốn tự có

Để thực hiện nội dung về tăng cường năng lực thống kê khoa học và công nghệ, ĐMST dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, từ tháng 7/2017 - 2/2018, Hợp phần 1: Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và ĐMST thuộc Dự án Đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST- NASATI) đã tổ chức thống kê thử nghiệm về ĐMST tại 8.000 DN công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được lựa chọn để điều tra thí điểm do đây là ngành hấp thụ về công nghệ, ĐMST nhiều nhất.

Về kết quả điều tra, TS. Hồ Ngọc Luật thuộc Ban Quản lý Tiểu dự án FIRST- NASATI cho biết, hoạt động ĐMST tại các DN diễn ra khá sôi động với 4.709 DN thông tin rằng họ có ĐMST (chiếm 61,6% tổng số DN điều tra). “Đây là một tỷ lệ khá cao so với những quốc gia được lựa chọn để so sánh”, TS. Luật nhận xét. Tuy nhiên, kết quả điều tra chỉ ra, hoạt động ĐMST không đồng đều giữa các DN.

Đáng chú ý, theo TS. Luật, nguồn tài chính dành cho ĐMST của các DN còn rất hạn chế. Tài chính cho ĐMST của DN (chiếm 60-75% DN) chủ yếu đến từ “vốn tự có”, vốn vay tín dụng…, vốn nhà nước hỗ trợ chỉ từ 1-2%. “DN vẫn phải tự “vắt mình” ra để ĐMST chứ không phải dựa vào các nguồn khác”, ông Luật trăn trở. Kết quả điều tra cũng chỉ rõ nghịch lý là nhóm DN có quy mô càng lớn thì càng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để ĐMST. Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho DN lớn (84,3%), còn 13,3% cho DN nhỏ và 2,28% cho DN vừa.

Với kết quả này, lãnh đạo Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, tỷ lệ DN nhận được hỗ trợ từ Nhà nước còn thấp là vấn đề đáng để suy ngẫm. Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cũng bày tỏ, chỉ có khoảng 1/5 số DN tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, còn lại 4/5 số DN không tiếp cận được các nguồn hỗ trợ ĐMST là rất đáng trăn trở. 

Không thể để DN mãi loay hoay

Điều tra hoạt động ĐMST trong DN ngành chế biến, chế tạo bao gồm 5 nhóm nội dung chính. Đó là: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra; Nguồn nhân lực của DN; Sản xuất kinh doanh; ĐMST trong DN; Nghiên cứu phát triển của DN. Việc điều tra tiến hành ở 44 tỉnh/thành với 8.000 DN là các DN lớn và vừa (trên 300 lao động), DN nhỏ  (không điều tra DN siêu nhỏ). Phương pháp điều tra thử nghiệm lần này dựa theo hướng dẫn Oslo 2005 của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Kết quả điều tra nhằm đưa ra những số liệu thống kê đáng tin cậy phục vụ đánh giá, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch KH&CN.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, chủ trương của Đảng và Nhà nước coi DN là trung tâm ĐMST và là một trong những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động này đã được ban hành. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động ĐMST trong DN chế biến, chế tạo vẫn còn không ít rào cản.

Đơn cử, đối với tiếp cận tài chính hỗ trợ hoạt động ĐMST của Chính phủ, theo TS. Luật, có trên 50% DN chưa biết về các hình thức hỗ trợ này của Nhà nước; hơn 40% DN cho biết các hình thức hỗ trợ không liên quan đến nhu cầu của DN; gần 38% DN không biết đến đầu mối kết nối với các hình thức hỗ trợ và quy trình hỗ trợ rất phức tạp… “Đây là những rào cản đang cản trở hoạt động ĐMST của các DN Việt Nam”, ông Luật nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp gỡ rào cản này, ông Hiến cho rằng, các cơ chế chính sách hiện hành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để có tính khả thi cao hơn. Cụ thể, với công tác truyền thông, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đến các chủ DN - người có thẩm quyền quyết định hoạt động ĐMST. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, từ tín dụng, đất đai đến thuế... Các chính sách hỗ trợ phải cụ thể, rõ ràng và khả thi. Nếu chỉ chung chung, không đi được vào cuộc sống thì sẽ là rào cản đối với hoạt động ĐMST.

Đại diện Vụ Thống kê công nghiệp bổ sung, kết quả điều tra cũng chỉ ra, hầu hết DN tự tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, ĐMST và họ đánh giá thấp các tổ chức nghiên cứu công lập, các cơ sở hỗ trợ cho hoạt động ĐMST. Đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm, cần có giải pháp hữu hiệu gắn kết các đơn vị này với nhau để thương mại hóa các sản phẩm KH&CN, ĐMST.

Để thúc đẩy ĐMST trong DN, TS. Tạ Bá Hưng, đại diện Dự án FIRST cho rằng, các DN cần ĐMST bằng cách đổi mới dây chuyền công nghệ, đổi mới tiếp thị… và phải xem đây là hoạt động thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, DN phải có đầu tư tương xứng cho hoạt động ĐMST. Nhà nước phải tạo ra môi trường để khuyến khích phát triển các loại hàng hóa từ hoạt động nghiên cứu. “Lâu nay người ta cứ nói nghiên cứu xong để trong ngăn tủ, thì nay Chính phủ phải hỗ trợ các DN để đưa kết quả nghiên cứu đó vào đời sống”, ông Hưng gợi ý.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư