Nếu được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án Cải tạo sông Tô Lịch sẽ là một dự án lớn, đầu tư trải dài hơn 14 km bờ sông. Ảnh: Huấn Anh |
Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trò chuyện với ông Đàm Văn Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Bắc - đơn vị đã có Văn bản đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch gửi UBND TP. Hà Nội.
Việc cải tạo sông Tô Lịch không phải là ý tưởng mới, nhưng việc đề xuất chủ trương cải tạo bài bản và khả thi thì ít doanh nghiệp dám tính đến. Xuất phát từ ý tưởng nào mà Tập đoàn Phương Bắc đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch?
Theo tìm hiểu của Tập đoàn Phương Bắc, sông Tô Lịch đã được UBND Thành phố quan tâm cải tạo bằng các phương pháp nạo vét đáy sông, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên đến nay, do hệ thống nước thải của Thành phố liên tục đổ về sông Tô Lịch làm cho dòng sông này ngày càng ô nhiễm.
Sông Tô Lịch chỉ thực sự sạch đẹp vào năm 2008 sau trận lũ lịch sử làm sạch toàn bộ hệ thống sông. Kể từ đó tới nay, hiếm có dịp sông Tô Lịch xanh, sạch, kể cả được đầu tư, cải tạo. Thi thoảng có những dịp lượng mưa tại Hà Nội lớn, lượng nước mưa đổ về sông nhiều làm loãng nước thải thì nước sông mới trở nên xanh, trong hơn so với bình thường. Nhưng sự trong, xanh đó không thể gọi là bền vững được.
Sau khi tham khảo một số con sông chảy qua thủ đô nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: sông Seine (Pháp); sông Thames (Anh)…, chúng tôi nhận thấy việc cải tạo sông Tô Lịch để thay đổi bộ mặt Thủ đô Hà Nội một cách bền vững là rất bức thiết và vô cùng quan trọng, giúp nâng tầm vẻ đẹp của Thủ đô, phát triển du lịch và cải thiện đời sống của người dân. Do đó, Tập đoàn Phương Bắc đã có Văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội đồng ý chủ trương cải tạo sông Tô Lịch.
Hiện tại, Tập đoàn Phương Bắc mới có Văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin chủ trương cải tạo sông Tô Lịch. Nếu được UBND Thành phố chấp thuận thì các công việc khảo sát, lập đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Tập đoàn Phương Bắc cũng có một vài ý tưởng sơ bộ để cải tạo sông Tô Lịch. Theo đó, cải tạo hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng (có tính đến phương án xử lý nước thải trong tương lai). Nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.
Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian. Trồng cây và sử dụng các vật liệu kiến trúc độc đáo, ấn tượng để mang đến cho Thủ đô Hà Nội vẻ đẹp đặc sắc riêng, phù hợp với văn hóa và yếu tố tâm linh, tín ngưỡng.
Ngoài ra, Dự án sẽ nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên để đảm bảo nguồn nước sạch hình thành hệ sinh thái dưới nước. Cùng với đó, sẽ kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có (như Hồ Tây…) tạo thành dòng đối lưu sông - hồ hài hòa để có thể xử lý thoát nước mưa và chống ngập cho Thành phố.
Sau khi cải tạo, sông Tô Lịch sẽ được vận hành và khai thác một phần phục vụ mục đích du lịch như du lịch đường sông, các dịch vụ như quán café nổi trên sông... Việc khai thác sẽ được chọn lọc cẩn thận, đảm bảo yếu tố cảnh quan, thẩm mỹ và chú trọng tính bền vững môi trường, không nhằm mục đích tận thu.
Đây là dự án lớn, đầu tư trải dài hơn 14 km bờ sông với những hạng mục cải tạo lớn nhưng bền vững.
Tuy nhiên, vấn đề là nhà đầu tư nào sẽ đáp ứng được yêu cầu để Dự án có tính khả thi?
Dự án này nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư thì sẽ được tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Với cương vị là đơn vị tư vấn đề xuất UBND Thành phố duyệt chủ trương đầu tư, Tập đoàn Phương Bắc cho rằng, Dự án nên được tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) có đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm thực hiện Dự án.
Tập đoàn Phương Bắc đề xuất Dự án nên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), có thể kết hợp hình thức BOT và BT.
Theo đó, để hoàn vốn cho nhà đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội có thể cho phép nhà đầu tư kinh doanh khai thác du lịch có thời hạn và lựa chọn loại hình kinh doanh thân thiện với môi trường trên sông Tô Lịch, kết hợp với việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư và ưu đãi một số loại thuế…
Nhà đầu tư sẽ áp dụng giải pháp khoa học tiên tiến (BIM - mô hình thông tin công trình) để quản lý, thi công, vận hành và khai thác nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và môi trường. Theo tính toán, sẽ mất khoảng 3 - 5 năm cho phần thi công xây dựng Dự án.