Doanh nghiệp đang chuẩn bị nắm bắt cơ hội lớn từ TPP

Hiệp định TPP chính thức được kí kết ngày 4/2 vừa qua đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt trong việc mở rộng thị trường hàng hóa, xuất khấu đem ngoại tệ về Việt Nam.
Doanh nghiệp đang chuẩn bị nắm bắt cơ hội lớn từ TPP

Hiệp định TPP với sự tham gia của 12 nước là nền tảng cho việc hội nhập kinh tế, mở ra các cơ hội đầu tư mới, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong một sân chơi nhiều ưu đãi.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận TPP có nhiều cơ hội và thách thức, trong đó TPP góp phần chống lại thao túng độc quyền và góp phần mở rộng đa dạng hóa các ngành nghề lĩnh vực tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường ngoài nước trong đó trọng tâm là các lĩnh vực dệt may, thủy sản, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings từng chia sẻ, năm 2016 là năm bản lề khi TPP được thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản xuất, gia tăng lợi nhuận khi tìm kiếm được nhiều thị trường ngoài nước. Mang ngoại tệ về Việt Nam nhiều hơn là điều doanh nghiệp Việt sẽ làm trong thời gian tới.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã nắm bắt các cơ hội để mang chuông đi đánh xứ người, chiếm lĩnh thị trường và gặt hái nhiều thành công ở các quốc gia khác.

Trong đó phải kể đến các tên tuổi như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Vinamilk, Tập đoàn TH.

Viettel đã có mặt ở 10 nước trên thế giới gồm các nước ở khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Viettel cung cấp dịch vụ viễn thông cho 75 triệu khách hàng trong suốt 10 năm chinh chiến thị trường quốc tế. Nhờ cách nhìn mới, lối đi mới, Viettel đã kiếm được nhiều khoản tiền ngoại tệ mang về. Cụ thể, báo áo cáo tài chính năm 2015 của Viettel cho thấy, trong tổng doanh thu của Tập đoàn này đạt gần 223.000 tỷ đồng trong đó có đến khoảng 30.000 tỷ đồng rót về từ thị trường nước ngoài.

Tập đoàn FPT cũng thu về 221 triệu USD trong năm 2015 nhờ đầu từ ở thị trường nước ngoài. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2015 của FPT cho biết doanh thu từ thị trường nước ngoài toàn tập đoàn ước đạt 4.859 tỷ đồng, tương đương 221 triệu USD, tăng 41% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 674 tỷ đồng, tương đương 31 triệu USD, tăng 17%.

Tất cả các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, Châu Âu, … đều tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tại thị trường các nước đang phát triển, năm 2015, FPT đã tạo được động lực tăng trưởng mạnh mẽ thông qua nhiều hợp đồng lớn giá trị lớn được ký kết tại Myanmar, Bangladesh…

Tại thị trường Nhật, FPT khởi động chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư Cầu nối (BrSE) nhằm tận dụng cơ hội từ việc thiếu hụt nguồn lực CNTT nghiêm trọng của nước này. Tại Mỹ, FPT tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực trính là Automotive (xe hơi) và Banking &Financial (ngân hàng, tài chính).

Năm 2016, toàn cầu hóa tiếp tục là định hướng chiến lược của FPT với mục tiêu tăng trưởng từ thị trường nước ngoài đạt trung bình 40%/ năm.

Ông lớn Vinamilk cũng bội thu từ đầu tư ngoài nước khi mang về 8.000 tỷ đồng trong năm 2015 đóng góp 20% tổng doanh thu của Vinamilk trong năm (đạt 40.000 tỷ đồng). Lợi nhuận từ đầu tư ngoài nước đã tăng 39% so với năm 2014, điều này cho thấy chiến lược vươn ra biển của Vinamilk đã thành công rực rỡ.

Không kém cạnh đại gia bò sữa Vinamilk, Tập đoàn TH cũng đầu tư vào thị trường ngoài nước khi mới đây chi 2,7 tỷ USD đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Matxcơva (Nga).

Bên cạnh các tên tuổi đang thắng lớn ở các cuộc viễn chinh phải kế đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN với 17 dự án đầu tư ra nước ngoài chủ yếu các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí đem lại nhiểu triệu USD cho Việt Nam.

Theo thống kê Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), doanh nghiệp Việt đã đầu tư gần 20,5 tỷ USD ra nước ngoài. Thị trường đầu tư tập trung chủ yếu ở Lào, Campuchia, châu Phi, châu Mỹ… Về lĩnh vực, các doanh nghiệp Việt chủ yếu rót vốn vào khai khoáng, nông nghiệp, viễn thông…

Chia sẻ với báo chí, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thời gian gần đây doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài đã mang lại những hiệu quả cao với lợi nhuận lớn tiêu biểu ở các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, công nghiệp chế biến... và trong thời gian tới hoạt động này sẽ không ngừng được thúc đẩy và mở rộng phạm vi ra nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, thị trường từ các nước tham gia TPP sẽ được các doanh nghiệp Việt chuẩn bị để nắm lấy cơ hội. Trao đổi với phóng viên NDH, chủ một doanh nghiệp sản xuất túi bao bì mảng mỏng xuất khẩu cho biết TPP là một cơ hội lớn và doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt các yếu tố để nắm lấy và doanh nghiệp này đã chuẩn bị các sản mới để đón đầu cơ hội TPP.

“Các nước tham gia TPP được ưu đãi về thuế, các khách hàng thuộc khối TPP có xu hướng chuyển sang mua hàng của Việt Nam và Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trong đó đặc biệt hai nước Mỹ và Nhật rất quan tâm vấn đề này”, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty nhựa và môi trường xanh An Phát cho hay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư