Sau TPP, bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập

Với nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, liệu có bao nhiêu DN “ngụp lặn” trong “biển lớn” ấy thành công?
Bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập? - Ảnh minh họa
Bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập? - Ảnh minh họa

Riêng năm 2015, có hai sự kiện lớn tác động đến doanh nghiệp Việt Nam: Tham gia Hiệp định TPP và là thành viên của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Với nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, liệu có bao nhiêu DN “ngụp lặn” trong “biển lớn” ấy thành công?

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:

Chuyển hướng trở thành các DN vệ tinh

Thách thức đầu tiên của các DN gỗ trong bối cảnh hội nhập hiện nay là phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu. Trước đây, các DN mua nguyên liệu tự do nên giá thấp. Nay phải mua chọn lọc để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì đương nhiên giá phải tăng lên làm cho giá thành sản phẩm tăng theo.

Bên cạnh đó, các DN gỗ phải đối diện với vấn đề năng suất lao động vì năng suất lao động của ngành gỗ Việt Nam quá thấp. Một năm, một công nhân năng suất cao của Việt Nam có thể tạo ra giá trị với thu nhập khoảng 8.000 - 10.000 USD, trong khi tại Trung Quốc là 24.000 USD, EU là 36.000 USD. Tại Singapore con số này còn cao hơn. Năng suất thấp nên giá trị gia tăng thấp. Chất lượng xấu sẽ kéo theo khả năng cạnh tranh kém, ảnh hưởng lớn tới khả năng hội nhập của DN.

Nếu nghiên cứu kỹ, trong các hiệp định thương mại tự do, họ yêu cầu rất cao trách nhiệm của DN với xã hội, chẳng hạn như nguồn gốc sản phẩm có hợp pháp không. Mà những điểm này chúng ta lại đang cực kỳ yếu. Đây có thể được coi là rào cản quá lớn với các DN gỗ, nếu không thay đổi khó có thể cạnh tranh được.

Tôi không lo tài chính của DN trong hội nhập nhưng tôi lo vấn đề quản trị của các thành viên - hiện đang rất yếu. Việt Nam chưa có trường đào tạo về quản trị, chế biến gỗ; Cũng chưa có trường đào tạo lao động hay công nhân lành nghề cho nghề này.

Tại Việt Nam, hội nhập được có lẽ chỉ có nhóm DN FDI (chiếm tỷ lệ 35-38%) và nhóm DN lớn (18-20%). Nhóm các DNNVV (gần 50% còn lại) chịu tác động và tổn thương lớn nhất và chúng tôi rất đau lòng vì điều này. Hiện nay, Hiệp hội chúng tôi đang có khoảng 4.000 DN nhưng thực chất tham gia sản xuất chỉ 1.000 DN, còn lại là các đơn vị vệ tinh. Vì vậy, tôi cho rằng, hướng đi cho các DNNVV là chuyển hướng trở thành các DN vệ tinh để giảm thiểu rủi ro.

TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính):

Ngân hàng sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt

So với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, các NHTM Việt Nam vẫn còn hạn chế về chất lượng dịch vụ và công nghệ. Ngoại trừ một vài NH lớn như: Vietcombank, VietinBank hay các ngân hàng có đối tác chiến lược nước ngoài, còn nhiều NHTM cổ phần vẫn chưa khắc phục được hạn chế là sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu các định chế quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như quản trị rủi ro, quản lý tài sản nợ, tài sản có, nhóm khách hàng, loại sản phẩm, kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ các NHTM trong nước vẫn khó cạnh tranh được với các NH nước ngoài.

Hiệp định TPP với trọng tâm là những cam kết kết hợp mở cửa thị trường dịch vụ và bảo hộ đầu tư, hệ thống NH của Việt Nam sẽ còn gặp những áp lực cạnh tranh lớn hơn nữa đến từ khối ngân hàng quốc tế châu Mỹ.

Đối với các quy định từ Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), hiện chỉ có hệ thống NH của Singapore, Malaysia, Thái Lan được cho là hoạt động tích cực nhất. Điều này tạo áp lực đối với các hệ thống NH còn yếu kém và chưa đủ năng lực cạnh tranh, tiếp cận với các quốc gia khác. Khi mục tiêu tự do luân chuyển dịch vụ và lao động trong khối được thực hiện, các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Do đó, các định chế trung gian tài chính Việt Nam sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều.

Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam:

Việt Nam đang thiếu DN “khúc giữa”

Khả năng hội nhập của các DN Việt Nam theo tôi là vẫn khả quan dù đặc thù Việt Nam có hơn 90% DNNVV - có ít cơ hội hơn so với các DN lớn. Điều đáng quan tâm là Việt Nam thiếu các DN “khúc giữa”, tức là các DN có khả năng gắn kết hội nhập với chuỗi toàn cầu. Tôi tin là trong thời gian tới, Việt Nam có thể khắc phục được điều này qua phát triển công nghiệp phụ trợ. Khi công nghiệp phụ trợ phát triển đòi hỏi phải có nhiều DNNVV nên sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho nhóm DN này phát triển. Những ngành sẽ được hưởng lợi ích lớn từ chính sách phát triển này là ngành công nghiệp nhẹ như: Dệt may, giày dép…

Thách thức đầu tiên là đảm bảo môi trường thuận lợi hơn cho tất cả các DN. Hiện, khối DN tư nhân đang chịu nhiều thiệt thòi. Chính phủ nên tạo ra môi trường bình đẳng để các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, ý tưởng kinh doanh. Đồng thời, cũng nên phổ biến cơ hội, tinh thần và thách thức cho các DN, nhất là khối DNNVV. Tái cấu trúc DN Nhà nước là cần thiết để tạo dư địa cho DN tư nhân. Đây là yếu tố quyết định giúp Việt Nam đạt hiệu quả trong tương lai.

ThS. Lê Quốc Anh, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân):

2/3 số DN siêu nhỏ có nguy cơ bị thôn tính

DN Việt hiện nay phần lớn là DN trẻ, vốn ít, thương hiệu thấp, hoạt động rời rạc nên thường yếu thế hơn trong bối cảnh hội nhập. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập, các DN Việt ngoài các nút thắt trong nước còn gặp khó khăn vì rủi ro vòng xoáy lạm phát - tỷ giá mới, hàng giá rẻ tràn vào do giảm thuế và bị cản trở trước hàng rào bảo hộ ở nhiều nước khi xuất khẩu. Vì vậy, 2/3 số DN siêu nhỏ có nguy cơ bị thôn tính. Bên cạnh đó, khoảng 3% số DN có quy mô vừa và lớn tương lai vẫn bất định do mới chỉ tham gia chuỗi cung ứng ở phân khúc thấp, sản xuất gia công, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cao.

Hiện nay, nhiều DN Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn vì vừa phải trải qua 7-8 năm gian khó, vật lộn với bất ổn vĩ mô, lạm phát cao và mới từng bước hồi phục. Áp đảo trong số đó lại là các DN Nhà nước nắm quyền chi phối, hiệu quả hoạt động thấp, hơn nửa là làm ăn thua lỗ, làm cho khả năng thành công khi hội nhập không lớn. Thậm chí, 10-15 năm nữa, nếu không trở thành vệ tinh trong các chuỗi giá trị, nhiều DN sẽ khó tồn tại.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhờ WTO, thế hệ DN 2.0 của nước ta đã trưởng thành, nhiều người đã thành đạt lớn như: Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức… Lần hội nhập sâu rộng này sẽ mở đường cho thế hệ DN 3.0, cùng với các doanh nhân thuộc thế hệ sinh ra trong chiến tranh sẽ là chỗ dựa trọng yếu giúp các DN hội nhập thành công.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Không minh bạch rất khó hội nhập

Trong cuộc trao đổi với Hoàng tử Anh trong chuyến sang Việt Nam mới đây về hợp tác giữa DN hai nước, yếu tố được ông này nhấn mạnh là sự liêm chính và sáng tạo. Các DN FDI cũng nói, họ chỉ làm với DN minh bạch vì tính an toàn và có thể kiểm soát được. Đó có lẽ là thách thức lớn nhất của các DNNVV của ta.

Rất khó định lượng bao nhiêu DN hiện nay có thể hội nhập và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Nhận thức của DN về hội nhập hiện đã thay đổi và DN cũng từng bước có sự chuẩn bị nhất định.

Công ty kiểm toán Deloit vừa khảo sát trong toàn Khối kinh tế chung ASEAN và cho kết quả, chỉ 50% doanh nghiệp trong khối quan tâm tới hội nhập. Tại Việt Nam, con số này chưa hẳn đã chính xác. Trong nền kinh tế có lĩnh vực được Nhà nước bao bọc nhiều như ô tô… thì hiện đang rất khó khăn khi đương đầu với hội nhập. Còn các lĩnh vực buộc phải bươn chải với thị trường trong những năm qua như: Dệt may, nhựa… mà cạnh tranh khó nhất là với Trung Quốc mà các DN còn làm được thì tôi tin họ vẫn trụ được khi hội nhập và hội nhập sâu hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư