Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng
Đây là địa bàn hàng năm thường xuyên chịu tác động tiêu cực từ thiên tai nên các công trình đường bộ liên tục bị xuống cấp, hư hỏng và cần số vốn lớn để tiến hành quản lý và bảo dưỡng thường xuyên, nhưng kinh phí bố trí đang rất hạn hẹp.
Theo quy định, kinh phí bố trí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên giai đoạn năm 2021 - 2024 đối với Quốc lộ 1 bình quân là 106 triệu đồng/km/năm; đường Hồ Chí Minh là 84 triệu đồng/km/năm và các tuyến quốc lộ khác là 50 triệu đồng/km/năm, chưa đáp ứng đủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí do Nhà nước ban hành (có những hạng mục công việc chỉ đáp ứng khoảng 30 - 50% so với khối lượng định ngạch trong khi đó tiêu chí nghiệm thu là 100%).
Đối với giai đoạn 2024 - 2027, suất đầu tư đã được ban hành cũng không thay đổi. Thậm chí, có tuyến như đường Hồ Chí Minh nhánh Tây điều chỉnh thấp hơn giai đoạn trước. Trong khi giá nhiên liệu, vật liệu, ca máy và nhân công hiện nay biến động thường xuyên, cao hơn, việc tiết giảm so với định ngạch sẽ gây khó khăn trong công việc thực hiện đạt tiêu chí theo theo yêu cầu. Một số định mức, định ngạch chưa phù hợp thực tế như bạt lề; phát quang; vét rãnh hở, vét rãnh kín; sơn dặm vạch kẻ đường...
Để làm tốt công tác quản lý bảo dưỡng đường bộ và bảo đảm giao thông, ccơ quan chức năng cần tính toán, tham mưu tăng kinh phí và thời gian thực hiện gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu đường bộ từ 3 năm lên 5 năm. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện hợp đồng giai đoạn 2021 - 2024, nên áp dụng hình thức nghiệm thu, thanh toán theo khối lượng thực hiện sẽ phù hợp hơn.