Ảnh minh họa. |
Việc lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ phải gắn định hướng đầu tư những chủng loại sản phẩm có nhu cầu cao, sản phẩm chất lượng tốt, giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng, đô thị, hạ tầng, giao thông, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo không chồng chéo giữa các quy hoạch.
Về định hướng phát triển một số chủng loại như xi măng: Thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, việc đầu tư xây dựng các trạm nghiền xi măng phải gắn với cơ sở sản xuất clinker, không đầu tư và mở rộng trạm nghiền xi măng độc lập.
Các vật liệu xây dựng chủ yếu khác: Quy hoạch một số loại vật liệu xây dựng phải phù hợp với Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và một số các Quyết định, văn bản luật liên quan.
Đối với việc phát triển vật liệu xây: Việc nâng công suất và mở rộng một số cơ sở sản xuất gạch tuy nen cần tính toán kỹ trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương và quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, dựa trên quan điểm mục tiêu để thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định sản lượng gạch dất sét nung giảm dần.
Về phương án quy hoạch gạch nung: Đến năm 2020, công suất gạch đất sét nung là 868 triệu viên, vẫn còn cao, dó đó sớm xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, hạn chế việc thay thế chuyển đổi từ sản xuất gạch nung thủ công sang sản xuất gạch nung tuynen, vì nguồn nguyên liệu sản xuất gạch nung ngày càng ảnh hưởng tới đất đai, môi trường. Định hướng quy hoạch cần hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, chỉ dùng đất sét làm nguyên liệu cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Về phương án quy hoạch vật liệu xây không nung (gạch bê tông, gạch nhẹ AAC, tấm 3D): Phú Thọ là địa phương có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây không nung phong phú, gần thị trường tiêu thụ lớn là TP Hà Nội, do đó phương án quy hoạch cần điều chỉnh theo hướng tăng cường phát triển vật liệu xây không nung, UBND tỉnh Phú Thọ cần tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cụ thể tại địa phương để các doanh nghiệp phát triển sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn.
Vật liệu lợp: Định hướng không đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng các cơ sở tấm lợp AC có sử dụng amiăng trắng, nhưng cần phải có lộ trình sớm và cụ thể thay thế sợi amiăng trắng, có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để các cơ sở sản xuất tấm lợp chủ động thay thế các sợi khác trong sản xuất tấm lợp.
Đối với đá xây dựng: Trong phương án quy hoạch cần rà soát lại các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng nhằm khai thác, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc cấp phép khai thác đá xây dựng đảm bảo theo nội dung yêu cầu tại công văn số 6667/VPCP-CN ngày 27/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền; không cấp mới, không gia hạn khai thác đối các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường.
Nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể nhằm khuyến khích các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng tận dụng nguồn đá mạt để sản xuất gạch không nung kết hợp đầu tư chiều sâu nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có cát nghiền phục vụ nhu cầu thay thế cát tự nhiên trên địa bàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nghiền.
Đối với cát xây dựng: Phương án quy hoạch đảm bảo trên cơ sở tăng cường công tác quản lý cát sỏi xây dựng, cát san lấp để đảm bảo không ảnh hưởng gây sạt lở, tác động xấu đến môi trường nhằm hạn chế những tồn tại và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi. Có các giải pháp thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.
Đối với các cơ sở khai thác chế biến nguyên liệu: Định hướng đầu tư theo hướng chế biến sâu, khu công nghiệp tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng phải đảm bảo môi trường, loại bỏ các cơ sở khai thác chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm thấp.
Đối với vật liệu xây dựng mới: Cần xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể để thu hút các doanh nghiệp đầu tư những loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường trong tỉnh và lân cận.
Trong quá trình thực hiện việc thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, đề nghị các cơ quan, tổ chức của địa phương tuân thủ các quy định tại các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ.
Trên cơ sở nội dung hoàn chỉnh trong báo cáo, đề nghị đưa các nội dung có tính thực tiễn quản lý trong Dự thảo Quyết định để tổ chức triển khai, đồng thời bổ sung danh mục đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng kèm theo, trong đó thể hiện các danh mục dự án thứ tự ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư.
Đối với nội dung điều chỉnh quy hoạch trong Dự thảo Quyết định những chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu (xi măng, gạch ceramic, granit...) cần phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt. Trong dự thảo có đề cập đến việc nâng công suất Dự án Xi măng Sông Thao từ 0,91 triệu tấn/năm lên 1,5 triệu tấn/năm, việc đầu tư mới hoặc mở rộng dự án granit, gạch ceramic cần phải có ý kiến của Bộ Xây dựng về chủ trương đầu tư.