Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Phục hồi kinh tế, phát triển chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng nay (21/2/2022), Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động; đồng thời, ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam. Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp… Ảnh: VGP

Thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp… Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để vững tin bước vào năm 2022 – là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022 – 2023.

Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Bộ trưởng nhận định, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2022 là đầy thách thức. Những thảo luận tích cực, xây dựng từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ triển khai thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian tới.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khẳng định sẽ chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, đặc biệt là tăng trưởng FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư