DIC Group báo lỗ hơn 16 tỷ dù CP phục hồi

(BĐT) - Sau nhiều tháng giao dịch sôi động, cổ phiếu (CP) của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán DIG) đã trở lại mệnh giá và tiếp tục tăng tiến sát đến giá trị sổ sách của doanh nghiệp. 
Chi phí xây dựng dở dang của IDC Group đạt 2.964 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2017. Ảnh: Anh Ngọc
Chi phí xây dựng dở dang của IDC Group đạt 2.964 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2017. Ảnh: Anh Ngọc

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh quý I/2017 của DIC Group lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2016.

Lỗ ròng hợp nhất 16,25 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 của DIC Group, doanh thu thuần hợp nhất của Tổng công ty chỉ đạt 248,91 tỷ đồng, giảm 14,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, do ghi nhận khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh, liên kết cùng với sự gia tăng mạnh của chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến cho cổ đông công ty mẹ phải gánh chịu mức lỗ 16,25 tỷ đồng trong quý I/2017.

Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ lớn tại công ty liên doanh liên kết không được doanh nghiệp giải trình. Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều khả năng sự thua lỗ này thuộc về Công ty CP Đầu tư phát triển Phương Nam (DIC Phương Nam), đơn vị chủ đầu tư khách sạn 5 sao Pullman, mới chỉ đi vào hoạt động hơn 1 năm. Được biết, trong năm 2016, DIC Group đã ghi nhận khoản thua lỗ hơn 40 tỷ đồng từ DIC Phương Nam. 

Dòng tiền âm 4 năm liền

Sở hữu quỹ đất lớn ở các khu đô thị cấp II và các vùng phát triển bất động sản du lịch như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Lạt..., đến thời điểm hiện tại, DIC Group đang phát triển khoảng 18 dự án với tổng diện tích đất lên đến hơn 3.158 ha. Song nhiều dự án lớn lại có thời gian thực hiện quá dài. Điều này khiến chi phí xây dựng dở dang thuộc hàng tồn kho ngày càng “phình to” đã tác động mạnh đến dòng tiền luân chuyển của DIC Group. Theo số liệu ghi nhận trong 4 năm liên tục từ 2013 - 2016, lưu chuyển thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều âm “nặng”. Đặc biệt, hai năm 2015 và 2016 lần lượt là âm 370,14 tỷ đồng và âm 297,67 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm 31/3/2017, chi phí dở dang tiếp tục tăng, đạt 2.964 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng tài sản của doanh nghệp. Khu du lịch sinh thái Đại Phước và Khu đô thị sinh thái Nam Vĩnh Yên là hai dự án có tồn đọng dở dang lớn nhất, khoảng 1.650 tỷ đồng. Tiếp đến, hàng loạt dự án tồn đọng từ năm 2011 và trước đó như Khu trung tâm Chí Linh ở Vũng Tàu (112 tỷ); Tổ hợp khách sạn văn phòng Phoenix (252,5 tỷ); Khối căn hộ cao cấp DIC Group (533,56 tỷ)... 

Thoái vốn để khơi thông dòng tiền

Không dư dả về vốn, thế nhưng DIC Group lại có khá nhiều công ty liên doanh, liên kết. Theo thống kê tại 31/3/2017, DIC Group đang góp 736,24 tỷ đồng vào 12 công ty liên doanh, liên kết với tỷ lệ sở hữu dao động từ 22% - 43%; và 150 tỷ đồng đầu tư tại các đơn vị khác có tỷ lệ sở hữu dưới 15%. Thế nhưng, nhóm công ty này chẳng những không đem về lợi nhuận cho cổ đông, mà còn trở thành gánh nặng bào mòn lợi nhuận công ty trong những năm gần đây.

Theo lộ trình tái cấu trúc giai đoạn 2015 - 2017, DIC Group sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp không nắm cổ phần chi phối gồm Xi măng Fico Tây Ninh, Vina Đại Phước, Việt Thiên Lâm, Cao su Phú Riềng, Sông Đà - Hà Nội để giảm đầu tư ra bên ngoài xuống còn 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HĐQT công ty đã quyết định chuyển nhượng một phần tại các dự án khu Trung tâm Chí Linh, Đại Phước, Nam Vĩnh Yên để tạo nguồn tiền tập trung hoàn thiện các dự án trọng điểm như Tổ hợp KS, văn phòng – Phonenix; căn hộ cao cấp DIC-Phoenix; khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. Đây sẽ là những dự án đem lại nguồn thu và lợi nhuận chính của Tổng công ty trong năm 2017.

Chuyên đề