Địa phương “xắn tay áo” cùng xây đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với quan điểm của Chính phủ là “bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện”, việc phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong thực hiện dự án đường cao tốc thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả. Các địa phương có dự án đi qua đều thể hiện quyết tâm rất cao, cam kết huy động mọi nguồn lực triển khai dự án.
Việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong triển khai thực hiện dự án cao tốc. Ảnh: Tường Lâm
Việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong triển khai thực hiện dự án cao tốc. Ảnh: Tường Lâm

Quyết tâm cao

Dự án Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3. Dự án chia làm 4 dự án thành phần (DATP) đi qua địa bàn các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang. Đây cũng là dự án sẽ được bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cả 4 địa phương có dự án đi qua đều thể hiện quyết tâm rất lớn thực hiện Dự án. Cuối tháng 5/2022, HĐND TP. Cần Thơ đã đồng ý phân bổ 1.061,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án thành phần 2 - Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Trường hợp tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) so với quyết định chủ trương đầu tư, TP. Cần Thơ sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ ngân sách địa phương (NSĐP). An Giang đã thông qua nghị quyết bố trí 1.380 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để tham gia thực hiện Dự án. Hậu Giang, Sóc Trăng cũng cam kết bảo đảm năng lực thực hiện Dự án đoạn đi qua địa bàn, bố trí một phần vốn từ NSĐP tham gia Dự án.

Ngoài 4 dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các dự án đường bộ cao tốc thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn có 3 dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; 3 dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; 2 dự án thành phần cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang; Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình); Dự án Đầu tư cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Binh - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. 10 địa phương có dự án cao tốc đi qua đều cam kết huy động mọi nguồn lực để thực hiện dự án nếu được giao làm cơ quan chủ quản.

Phân cấp sẽ huy động tối đa nguồn lực

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản sẽ góp phần giảm tải cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT), phát huy hiệu quả nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, thuận lợi trong triển khai thực hiện dự án cao tốc.

Hiệu quả của việc phân cấp này cũng đã được minh chứng khi Thủ tướng giao một số địa phương làm chủ đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức đầu tư công như tại Quảng Ninh (cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Vân Đồn - Tiên Yên), Ninh Bình (Cao Bồ - Mai Sơn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông) và một số địa phương được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tiền Giang…

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, đến thời điểm này, 14/14 địa phương đã có văn bản cam kết liên quan đến việc đảm nhận vai trò cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Trong đó, 11 địa phương tự đánh giá ban quản lý dự án thuộc địa phương mình đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức thực hiện dự án khi được phân cấp, đồng thời cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng khi được giao làm cơ quan chủ quản. Ba tỉnh Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang tự đánh giá ban quản lý dự án chưa đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, nhưng vẫn thống nhất làm cơ quan chủ quản khi được giao và cam kết kiện toàn nhân sự, bảo đảm đủ năng lực hoặc tổ chức lựa chọn tư vấn quản lý dự án để triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng và quy định hiện hành.

Từ đó, tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ KH&ĐT kiến nghị 2 phương án. Thứ nhất phân cấp cho 14 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 14/16 dự án, dự án thành phần, 2 dự án còn lại do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản. Phương án 2 là phân cấp cho 11 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản 11/16 dự án, dự án thành phần, 5 dự án còn lại do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.

Bộ GTVT tiếp nhận công trình sau khi cơ quan chủ quản hoàn thành việc xây dựng, quyết toán dự án để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định.

Chuyên đề