Nếu vùng đất Hà Tĩnh sinh ra danh nhân Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du… thì vùng đất Nghệ An là quê hương của Mai Hắc Đế, Hồ Chí Minh cùng biết bao anh hùng dân tộc, ghi danh sử sách. Truyền thống hiếu học và yêu nước luôn trào dâng trong huyết quản của những người con một vùng đất địa linh…
Miền đất hiếu học
Một trong những đức tính nổi bật của người xứ Nghệ là hiếu học với hình ảnh lớp học chữ Nho của ông đồ. Thời phong kiến, học là vì khát vọng vươn lên. Học chữ thánh hiền là cái chuẩn để thay đổi cuộc đời. Dần dần, ý thức, tinh thần đó thấm vào mỗi gia đình, họ tộc. Tinh thần hiếu học được hun đúc, phát triển qua nhiều thế hệ, trở thành truyền thống tôn vinh đạo học.
Vùng đất vốn khô cằn, hạn hán, gió Lào, bão lụt liên miên, nhưng không làm cho người dân xứ Nghệ nản chí. Trái lại, đó là động lực để người xứ Nghệ vượt khó, vượt khổ, học tập và thoát nghèo. Nhờ ý chí khổ học, thời nào xứ Nghệ cũng có nhiều người khoa cử, nhiều làng khoa bảng. Trong thời gian 845 năm các kỳ khoa cử thời phong kiến (1075 - 1919), số người khoa bảng gốc Nghệ thường ở TOP trên, mở đầu là ông Bạch Liêu quê Yên Thành đỗ Trạng nguyên năm 1266. Có gia đình với 3 thế hệ đều có người đỗ Trạng nguyên là Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành. Chỉ tính riêng triều Nguyễn, xứ Nghệ có 595 trên tổng số 882 người đỗ cử nhân.
Trong các vùng miền được xem là đất học, xứ Nghệ vẫn nổi danh hơn cả với nhiều làng khoa bảng, là 1 trong 7 địa điểm được triều đình chọn làm trường thi. Điều đáng lưu ý là các ông nghè, ông tú, ông đồ xứ Nghệ được xã hội trọng vọng, các nho sỹ đỗ đạt Trạng nguyên được triều đình bổ nhiệm và gánh vác nhiều trọng trách cho đất nước. Lịch sử ghi danh các khoa bảng nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và còn mãi về sau.
Sang thế kỷ XX, kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi dưới thời Pháp thuộc với sự du nhập của Tây học, nhiều trí thức xứ Nghệ vẫn giữ được cốt cách và truyền thống hiếu học của một vùng đất địa linh. Trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều trí thức được đào tạo ở nước ngoài trở về và tiếp tục đóng góp lớn cho đất nước như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Nguyễn Đình Tứ...
Trải qua các giai đoạn biến thiên của lịch sử, truyền thống hiếu học của người xứ Nghệ vẫn như một mạch ngầm xuyên suốt các thời kỳ. Chất lượng giáo dục xứ Nghệ nhiều thập kỷ qua được khẳng định và giữ vị trí đứng đầu trong cả nước từ giáo dục đại trà đến giáo dục mũi nhọn, từ học sinh giỏi quốc gia đến đấu trường quốc tế.
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Trong 63 tỉnh, thành phố, Nghệ An có diện tích lớn nhất, với dân số đứng thứ tư cả nước. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện và hun đúc con người Nghệ An vừa có những phẩm chất tốt đẹp chung của người Việt Nam, vừa có nét đặc sắc riêng ở lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; chí khí cương trực, gan góc, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Đó là chưa kể đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên nguồn cội, sớm tỏa đi muôn phương nhưng vẫn luôn hướng về quê hương và hẹn ngày trở lại.
Nói đến xứ Nghệ, người Nghệ, không biết tự bao giờ, dân thường gọi bằng một cái tên trìu mến: “đất nghèo nuôi những anh hùng”. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao hào kiệt, những bậc hiền tài cho non sông, đất nước. Nơi mà đất và người quyện trong hồn thiêng sông núi, trong thiên nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên với sức sống mãnh liệt tự bao đời…
Năm 722, Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi ách cai trị nhà Đường, xưng Đế, lập nên nước Vạn An, quản lý đất nước trên 10 năm, là một sự thách thức, đối trọng với Hoàng đế Trung Hoa.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và xứ Nghệ đã trở thành căn cứ địa của phong trào Cần Vương. Khắp nơi trên dải đất Nghệ An hừng hực khí thế “Bình Tây phục quốc”, với chí mạnh, tâm hùng sẵn sàng xả thân vì việc nước. Phan Bội Châu - người con của huyện Nam Đàn, Nghệ An, từ thủa thiếu thời đã ham học và có lòng yêu nước. Sau này, ông khởi xướng phong trào Đông Du, dấy lên một phong trào xuất dương yêu nước mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tinh thần yêu nước, kiên trung, bất khuất của người Nghệ đã được khơi dậy, thăng hoa, trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều người con ưu tú được giác ngộ cách mạng và trở thành những người cộng sản kiên trung như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu... Nhân dân Nghệ An đã “đứng đầu dậy trước” làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh, một “Nghệ Tĩnh đỏ” anh hùng trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Trong cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc (1945 - 1975), Nghệ An vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến với nhiều địa danh đã trở thành biểu tượng như Cầu Cấm, Truông Bồn, phà Bến Thủy...
Nghệ An cũng là nơi có nhiều công trình kiến trúc, di tích mang dấu ấn lịch sử văn hóa của dân tộc. Từ đền Cuông linh thiêng ghi dấu câu chuyện bi tráng của Thục Phán An Dương Vương đến Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường, đến ước vọng Phượng Hoàng Trung Đô lưu danh muôn thuở của Hoàng đế Quang Trung. Người dân xứ Nghệ tự hào có 2 Danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh. Như là một sự hun đúc, gói ghém những tinh hoa của đất và người Nghệ An, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất là một biểu tượng nổi bật cho vùng đất “địa linh nhân kiệt” Nghệ An trong thế kỷ XX. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ, trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Đất Nghệ An hôm nay uy nghi 6 di tích quốc gia đặc biệt, đó là Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Lăng và mộ vua Mai Hắc Đế (Nam Đàn), Đình Hoành Sơn (Nam Đàn), Km số 0 (Tân Kỳ), Đền thờ và mộ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (Nghi Lộc). Cùng với đó, năm 2014, dân ca Ví, Giặm của người dân xứ Nghệ đã được UNESCO ghi nhận và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những giá trị, truyền thống tốt đẹp của vùng đất “gánh hai đầu đất nước” là nguồn lực nội sinh to lớn để các thế hệ kế tiếp viết nên những trang sử hào hùng trong tương lai, xứng đáng với các bậc hiền tài, hào kiệt, cũng như mong mỏi về một Việt Nam hùng cường của Bác Hồ kính yêu.