Đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,91%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Theo NHNN, trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).

NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý). Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).

NHNN cho biết, đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.

Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Chuyên đề