Đề xuất tăng cường thanh tra để ngăn chặn lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng. Do đó, cần có giải pháp để ngăn chặn và xử lý tình trạng này.
Đoàn Thanh tra chuyên ngành BHXH tỉnh Quảng Ninh công bố Quyết định thanh tra các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguồn ảnh: BHXH tỉnh Quảng Ninh
Đoàn Thanh tra chuyên ngành BHXH tỉnh Quảng Ninh công bố Quyết định thanh tra các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguồn ảnh: BHXH tỉnh Quảng Ninh

Giải pháp nào ngăn chặn lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT

Theo phản ánh từ các cơ quan BHXH, người dân và Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thời gian qua có tình trạng mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi BHXH thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con.

Trong lĩnh vực BHYT có nhiều trường hợp sử dụng thẻ BHYT không đúng quy định, thông đồng với nhân viên y tế làm giả hồ sơ để trục lợi Quỹ BHYT; lập hồ sơ bệnh án nhưng không có người bệnh; kê tăng số lượng, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh nhưng thực tế người bệnh không sử dụng; không đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, thu tiền của người bệnh đối với chi phí thuốc, vật tư y tế đã có trong cơ cấu giá ngày giường điều trị, công khám bệnh, dịch vụ kỹ thuật…

Đơn cử như trường hợp ông NTK, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, ông K khám chữa bệnh 80 lượt BHYT tại 18 bệnh viện khác nhau trên địa bàn TP.HCM với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Các cơ quan BHXH ở Thanh Hóa, Quảng Nam... cũng đã phát hiện nhiều trường hợp khống hồ sơ bệnh án nhằm gian lận để trục lợi tiền BHYT.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho biết, trước khi dịch xảy ra, tình trạng vượt tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh BHYT so với Chính phủ giao ở một số địa phương, nhất là các địa phương tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh lớn của trung ương.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cũng cho rằng, thời gian qua dư luận rất bất bình về việc trục lợi chính sách hỗ trợ. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, qua việc tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố cho thấy có trục lợi ở một số địa phương đã xảy ra, gói hỗ trợ Nghị quyết 42 phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn Thanh niên, vì lý do là để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách. Trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cũng có xử lý, thậm chí là khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi chính sách rút tiền…

Trước thực trạng đó, nhiều ĐBQH đã đặt ra vấn đề về giải pháp nào để người lao động không bán sổ BHXH, ngăn chặn và phòng chống việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, BHXH trong thời gian tới?

Ngay sau khi Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV kết thúc, Chính phủ đã tổ chức ngay Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật vào ngày 18/11/2021. Tại Phiên họp Chính phủ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải rà soát, đánh giá lại các chính sách pháp luật hiện hành để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó có dự án Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi) nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót giữa các luật.

Cần bổ sung chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH

BHXH Việt Nam cho biết, qua việc triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT, thời gian qua, cơ quan BHXH đã phát hiện nhiều trường hợp có chi phí KCB đề nghị thanh toán chưa đúng quy định, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT… Tuy nhiên, do chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) việc thanh toán, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, nên khi phát hiện các hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu trục lợi Quỹ BHXH, BHYT thì cơ quan BHXH chỉ có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu hoàn trả về Quỹ BHXH, BHYT và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; không có chế tài xử lý, thu hồi số đã chi sai, vì vậy không đủ sức răn đe, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Hiện nay, công chức thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng chuyên sâu, nên việc thanh tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua không nhiều, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa các vi phạm hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Trong khi đó, ngành BHXH có nhiều thuận lợi do có nguồn nhân lực đủ điều kiện, cơ sở vật chất, hệ thống dữ liệu tập trung, hệ thống phần mềm đồng bộ từ tham gia, giải quyết chế độ chi tiết đến từng cá nhân nên việc thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thanh tra được kịp thời ở mọi nơi, mọi lúc. Chưa kể, nếu chức năng TTCN về thanh toán, hưởng chế độ BHXH, BHYT được giao cho BHXH Việt Nam sẽ giúp tăng hiệu quả việc TTCN về đóng và tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chi đầu ra các quỹ, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối thiểu các hành vi lạm dụng, trục lợi, hướng tới đảm bảo cân đối Quỹ BHXH, BHYT.

Xét dưới góc độ quản lý nhà nước, bên cạnh việc thực hiện TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN, trường hợp BHXH Việt Nam được giao thêm chức năng thanh tra việc thanh toán, hưởng chế độ BHXH, BHYT sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả việc thu - chi trong phạm vi nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ ngày 1/1/2016, cơ quan BHXH (BHXH) được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT (BHYT), BHTN (BHTN) theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014. Đến nay, chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ và giảm nợ đọng BHXH, BHYT góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi an sinh của người lao động.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị truy đóng 664,1 tỷ đồng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN với 240.245 người được tham gia và thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội; thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 828,4 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định; chưa chấp nhận thanh toán về khám chữa bệnh BHYT số tiền là 169,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh triển khai trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, giúp giảm thời gian làm việc trung bình so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống. Cụ thể, riêng với đơn vị sử dụng lao động giảm 22,8% thời gian làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra kiểm tra.

Như vậy, có cho thấy công tác thu, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT thời gian qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Việc bổ sung thêm chức năng thanh tra này cho cơ quan BHXH sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Nếu như trước năm 2016, thời điểm ngành BHXH Việt Nam chưa được giao thực hiện chức năng TTCN đóng, số nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ tương đối cao so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Cụ thể là chiếm 4,86% (năm 2014); 3,74% (năm 2015), thì từ năm 2016, số nợ đã giảm dần, tương ứng với 2,7% (năm 2016), 2,2% (năm 2017), 1,7% (năm 2018) và 1,6% (năm 2019).

Riêng năm 2020, tỷ lệ nợ chiếm 3,35% tổng số phải thu, chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nợ BHXH gia tăng.

Chuyên đề