Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản đưa vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), kịp trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS tại kỳ họp tháng 5/2023 (nếu được sẽ xây dựng, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp) theo hướng sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết nhất, áp dụng cho những tài sản đặc thù nhất, trong đó đặc biệt cần xử lý vấn đề về khoản tiền đặt trước .
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đưa ra tại buổi làm việc mới đây của Bộ về việc sửa đổi các quy định liên quan đến pháp luật về ĐGTS.

Đề xuất xây dựng trang đấu giá trực tuyến toàn quốc

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, trên cơ sở rà soát bước đầu một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về ĐGTS như Luật ĐGTS, Luật Đất đai, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông… và các văn bản hướng dẫn, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá là cần thiết nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tăng tính công khai, minh bạch, khách quan.

Cục Bổ trợ tư pháp cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật ĐGTS, trình Lãnh đạo Bộ xem xét tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật, dự kiến vào tháng 10/2022. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS, Cục đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2023 - 2024.

Theo Cục trưởng Lê Xuân Hồng, một trong những biện pháp bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá là đấu giá trực tuyến. Để hướng dẫn hình thức đấu giá này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP và mới đây Bộ Tư pháp được giao nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62 theo thủ tục rút gọn. Hiện, Cục Bổ trợ tư pháp đang nghiên cứu, đề xuất sẽ xây dựng trang đấu giá trực tuyến thống nhất trên phạm vi cả nước do cơ quan quản lý nhà nước vận hành và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức ĐGTS. Trang đấu giá trực tuyến sẽ được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS hiện đang được vận hành, sử dụng.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ĐGTS, Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị tổ chức 1 - 2 đoàn thanh tra người có tài sản trong việc lựa chọn tổ chức ĐGTS để bảo đảm việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo đúng quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS và Thông tư 02/2022/TT-BTP, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS.

Qua vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho thấy, Luật Đấu giá tài sản chưa quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá. Ảnh: Internet

Qua vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho thấy, Luật Đấu giá tài sản chưa quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá. Ảnh: Internet

Cơ hội để sửa đổi các quy định đấu giá đối với các tài sản đặc thù

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đánh giá, quy trình đấu giá hiện nay có một số vướng mắc, bất cập, nhất là đấu giá một số tài sản đặc thù như đất đai, tài sản thi hành án. Do đó, ông Thái cho rằng, đây là cơ hội để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ĐGTS. Riêng đối với Nghị định 62, ông Thái ủng hộ sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn để để sớm có cơ chế triển khai đấu giá trực tuyến đi đôi với củng cố cơ sở vật chất cho hình thức đấu giá này, góp phần phòng chống tệ nạn thông đồng, ngăn ngừa được nhiều tiêu cực trong đấu giá.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Đặng Minh Quân mong muốn việc sửa đổi các quy định về ĐGTS sẽ hướng đến phân nhóm các loại tài sản khác nhau, có tính đặc thù. Ngoài ra, qua thực tiễn thanh tra, nhất là từ vụ việc cụ thể của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Quân chỉ ra rằng, Luật ĐGTS chưa quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá, việc sửa Luật cần quan tâm đến vấn đề này, bảo đảm thống nhất trong thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu gợi ý, rà soát văn bản về ĐGTS lần này đưa vào rà soát chuyên đề của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Dựa trên kết quả rà soát, Bộ sẽ tham mưu đề xuất sửa Luật ĐGTS, Nghị định 62 và các văn bản liên quan. Đặc biệt, đối với nhóm giải pháp cấp bách, theo Thứ trưởng, hoàn toàn có thể quy định các chế tài mạnh hơn như đối với khoản tiền đặt trước 20% so với giá khởi điểm (vẫn được nhiều người hiểu là tiền đặt cọc), nếu vi phạm việc đảm bảo ký kết hoặc thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất khoản tiền này và phải bồi thường các thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng hay thời hạn thanh toán tiền lâu quá cũng có thể xử lý theo hướng quy định thời gian ngắn lại…

Cho ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng ý đưa rà soát chuyên đề về ĐGTS vào chương trình hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng; đồng thời yêu cầu tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá trực tuyến tại Nghị định 62. Bộ trưởng cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS, phấn đấu trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS tại kỳ họp tháng 5/2023 (nếu được sẽ xây dựng, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp) theo hướng sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết nhất, áp dụng cho những tài sản đặc thù nhất, trong đó đặc biệt cần xử lý vấn đề về khoản tiền đặt trước…

Chuyên đề