Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 chiều 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện, giúp chính sách phát huy tác dụng; đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng được áp dụng so với tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế gia trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đối diện với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí, doanh thu sụt giảm gây khó khăn cho dòng tiền…

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức. Do đó, đại biểu nhất trí với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43.

Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng, kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết 31/12/2023 theo phương án của Chính phủ là quá ngắn. Khó khăn, thách thức trong thời gian tới là khá lớn, đại biểu cho rằng, để hỗ trợ hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Chuyên đề