Đề xuất gia hạn nợ, giãn trích lập dự phòng: Lợi nhuận ngân hàng càng “mờ ảo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, thời gian tối đa cơ cấu lại nợ, thời hạn trích lập dự phòng bổ sung. Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại việc sửa đổi các nội dung này có thể khiến nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng càng trở nên “mờ ảo”.
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, từ 10/6/2020 đến nay, có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên tổng dư nợ thực tế hơn 1.190 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, từ 10/6/2020 đến nay, có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên tổng dư nợ thực tế hơn 1.190 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, chưa trả được nợ ngân hàng. Các ngân hàng dù rất muốn nhưng không thể cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho khách hàng vay vì vướng quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế VNBA cho biết, theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Sơ bộ tổng hợp từ 14 hội viên là TCTD, VNBA cho biết, từ 10/6/2020 đến nay, có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1.190 nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ này đủ điều kiện cơ cấu lại nhưng không thể thực hiện do không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD.

Vì vậy, các ngân hàng kiến nghị, NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020. Hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đề xuất sửa quy định: “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”. Theo các TCTD, quy định này đòi hỏi khách hàng phải có phương án trả nợ đối với số dư nợ được cơ cấu lại và số dư nợ phát sinh mới trong thời gian tương đối ngắn. Trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khách hàng không thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ nếu như chưa thể phục hồi sản xuất kinh doanh.

Do đó, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về thời hạn trích lập dự phòng, các TCTD cũng muốn kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung từ 3 năm thành 5 năm để giảm tải áp lực tài chính, giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, VNBA đề nghị sửa đổi ngay Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Trong thời gian tiếp theo, cần ban hành một thông tư mới thay thế toàn bộ Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các đề xuất sửa đổi đều nhằm gỡ khó cho hoạt động của ngân hàng ở thời điểm hiện nay, bởi nếu không thực hiện, nợ xấu thực tế của các ngân hàng sẽ tăng cao đáng kể. Từ đó, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không thể tốt đẹp như những tháng vừa qua. “Tuy nhiên, để hoạt động của các ngân hàng thật sự lành mạnh và bền vững thì các chỉ báo tài chính như lợi nhuận, nợ xấu cần được nhìn nhận thật rõ ràng. Nếu vẫn tiếp tục được gia hạn nợ, giãn trích lập dự phòng thì các chỉ báo đó sẽ càng mờ ảo và có thể để lại hệ luỵ đáng ngại về sau nên cần hết sức cân nhắc”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề