Đề xuất đấu giá thanh lý 7.000 xe công

(BĐT) - Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyên, sẽ có khoảng 7.000 xe công dôi dư sau khi rà soát theo quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ôtô công. Và số lượng xe này cần đấu giá thanh lý công khai số này để tránh thất thoát, lãng phí.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Quan điểm này được bà Nguyễn Thanh Hải nêu tại Phiên họp cho ý kiến vào Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 20/2 khi bày tỏ lo lắng về quy định bán tài sản công tại dự Luật.

Theo đó, tại điểm c Khoản 3 Điều 43 Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) có quy định việc bán tài sản công không qua đấu giá. Trong đó, quy định tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của CP và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bà Hải cho rằng, quy định này thiếu định lượng, có khả năng lách luật để thực hiện, có thể ảnh hưởng tới quá trình tới thực hiện chống tiêu cực, lãng phí.

Nhắc lại báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nêu là việc thực hiện thanh lý tài sản xảy ra thất thoát lãng phí nhất là ô tô công gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc bán thanh lý không qua đấu giá. Mặc khác, theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giao trung ương thì sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng ô tô công dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô. Vì vậy, nếu giả sử từng chiếc ô tô thì giá trị nhỏ nhưng với 7.000 chiếc nếu thực hiện sắp xếp lại việc bán tài sản của nhà nước lại thực hiện theo điểm c Khoản 3 Điều 43 nêu trên thì sẽ gây thất thoát, lãng phí rất lớn.

Vừa qua, báo chí đã nói nhiều về tình trạng bán xe biển xanh không qua đấu giá, với mức giá rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng/xe diễn ra. “Nếu không bắt buộc đấu giá tài sản là xe công thì sẽ tạo kẽ hở, lách luật và đề nghị cân nhắc trong việc bán tài sản công trong trường hợp này” – bà Hải nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính hồi đầu tháng 3, từ cuối năm 2015 đến nay cơ quan quản lý đã thực hiện thanh lý được hơn 1.100 ôtô. Số liệu mà cơ quan này tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương thì tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi xe thanh lý khoảng 46,12 triệu đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong số 761 xe nêu trên, có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được. Bên cạnh đó, có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ôtô, thiết bị dạy nghề... nên không thu được tiền. Ngoài ra, 183 xe được cho là đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước) nên khi thanh lý chỉ thu được tổng số tiền xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 30 triệu đồng một xe.

Cho rằng việc thanh lý xe công có giá thấp vừa qua là do đã không thực hiện đúng quy trình đấu giá, ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm việc thanh lý, bán tài sản nhà nước cần có quy định rõ tất cả các tài sản của Nhà nước khi thực hiện bán thì phải qua đấu giá công khai, minh bạch. Việc này phải khắc phục bằng cách quy định rõ, cụ thể trong Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư