Đề xuất cơ chế quản lý 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách

Hiện cả nước có trên 70 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Trung ương và địa phương thành lập. Đó là con số mà Vụ Tài chính – Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Hội thảo về Hoạt động của các Quỹ Tài chính ngoài ngân sách nhà nước ngày 16/6.
Đề xuất cơ chế quản lý 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách

Ông Đỗ Trọng Khanh, Vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quỹ tài chính ngân sách hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại Luật, Nghị định có tính chuyên ngành.

Trong tổng số 70 quỹ được thành lập trên cả nước, có nhiều quỹ được ngân sách nhà nước cấp vốn thành lập ban đầu, gọi là “vốn mồi” hoặc cấp bổ sung vốn điều lệ trong năm. Xét về quy mô, chỉ có một số quỹ tài chính ở Trung ương có nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn, còn lại chủ yếu là các quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một số lĩnh vực hoặc một số địa phương.

Việc hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước là giải pháp điều hành nền tài chính quốc gia có tính linh hoạt hơn, đồng thời là biện pháp quan trọng hỗ trợ quỹ ngân sách nhà nước.

Quỹ đã huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội và người lao động, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển khoa học công nghệ..); từ đó, động viên thêm nguồn lực tài chính nhằm thực hiện một số mục tiêu của cộng đồng hoặc ngành, lĩnh vực, thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và cùng với ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Khanh, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn hiện nay, nhu cầu và nhiệm vụ chi cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tăng hàng năm, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước vẫn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế vĩ mô, thì việc mở rộng và hình thành nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước sẽ gây tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước.

Hiện nay, chưa có khung pháp luật quy định chế tài xử lý thống nhất đối với hoạt động của các quỹ này, chưa có văn bản pháp lý thống nhất có tính quy định chung để điều chỉnh về nguyên tắc thành lập và sử dụng quỹ, hoạt động của các quỹ. Điều này vừa gây ra khó khăn cho hoạt động quản lý Nhà nước đối với các quỹ, làm hạn chế tính đầy đủ, chính xác của việc phân tích đánh giá chỉ tiêu công, hạn chế tính minh bạch của ngân sách.

Ông Đàm Văn Huệ, chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, còn nhiều rào cản chưa khuyến khích được việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các quỹ như cơ chế, thưởng phạt, chế độ tiền lương và thu nhập tăng thêm của những người làm bảo hiểm.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, ông Khanh cho rằng, cần nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động và cơ chế tài chính các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước và xây dựng hệ thống khung pháp luật thống nhất điều chỉnh hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trở thành đòi hỏi cần thiết và cấp bách.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, phát triển nhanh các quỹ để tránh nguy cơ lạm thu, vượt quá khả năng của doanh nghiệp và người dân.

Chuyên đề