Phát hành xổ số kiến thiết là 1 trong 20 ngành nghề được Bộ Công thương đề nghị độc quyền nhà nước. Ảnh Internet |
Nhiều chuyên gia lo ngại việc ban hành Danh mục có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ đã quyết liệt thực hiện trong suốt những năm vừa qua.
Mâu thuẫn với pháp luật về đầu tư, kinh doanh
Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 4 về “thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 với quy định: “Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước”.
Theo cơ quan soạn thảo, Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền nhà nước, qua đó tăng tính hiệu quả, minh bạch của quản lý nhà nước đối với các hoạt động độc quyền. Tuy nhiên, trái với ý kiến của cơ quan soạn thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ban hành Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là đi ngược lại xu thế cải cách, vi phạm quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Dự thảo Nghị định được Bộ Công Thương xây dựng trên cơ sở kết quả Đề án Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại nhà nước theo quy định của Luật Thương mại (Bộ Công Thương trình Đề án năm 2014) và chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 130/TTg-KTTH ngày 27/01/2015. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi về chính sách và bối cảnh kinh tế, nhất là việc thực thi Luật Doanh nghiệp (DN) 2014, Luật Đầu tư 2014 và các cam kết thương mại tự do. Hơn nữa, Hiến pháp 2013 cho phép công dân được quyền kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm. Đối với các ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì Luật Đầu tư 2014 cũng đã nêu rõ. Đối chiếu với 6 ngành, nghề Luật cấm kinh doanh và Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì thấy nhiều ngành, nghề nêu trong Dự thảo Nghị định không thuộc diện cấm hoặc hạn chế đầu tư, kinh doanh. “Như vậy, nội dung dự thảo nghị định này không tương thích với pháp luật về đầu tư, kinh doanh, cụ thể là Luật Đầu tư”, bà Thảo nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội khẳng định: “Quy định Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước như đề xuất là vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm Hiến pháp quy định về tự do kinh doanh”.
Quyết liệt phản đối
Theo ông Mạc Quốc Anh, đề xuất 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước có thể sẽ khiến nhiều DN bức xúc, đặc biệt là các DN nước ngoài, bởi khi nhìn vào họ sẽ thấy có sự phân biệt đối xử, xu thế cải thiện môi trường kinh doanh mà Việt Nam nỗ lực thực hiện thực tế không hiệu quả. Các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế có thể sẽ có cái nhìn tiêu cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng có chung lo lắng: “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU yêu cầu không được trợ cấp cho DNNN một cách tràn lan, cam kết phải hành xử đối với DNNN theo nguyên tắc thương mại bình thường. Nếu áp dụng độc quyền trong nhiều lĩnh vực như Dự thảo Nghị định thì Việt Nam có thể bị phía EU khiếu nại hoặc áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại nếu độc quyền này gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động thương mại hoặc đầu tư của EU ở Việt Nam”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc Dự thảo Nghị định đưa vào Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước có thể là một hình thức “khóa cánh cửa” bình đẳng đối với DN tư nhân. Đó là chưa kể Dự thảo Nghị định cũng chưa phù hợp với Luật Thương mại. Ông Tuấn đề xuất, hiện nay Ban soạn thảo sửa đổi Luật Thương mại đã được thành lập. Vì vậy, cách tốt nhất để xử lý vấn đề này là đưa Danh mục vào trong Dự thảo Luật để xem xét.
Cùng chung quan điểm, đại diện CIEM cho rằng, tại thời điểm này, cơ quan soạn thảo nên dừng việc đưa ra Dự thảo Nghị định, thay vào đó nên tập trung vào việc soạn thảo Khung chính sách về thương mại phục vụ việc sửa đổi Luật Thương mại để trình Quốc hội vào cuối năm 2017. Những ngành, nghề thực sự cần thiết phải do DNNN nắm giữ thì nên kiến nghị, bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.