Đề xuất chế tài với tổ chức đấu giá kê khai sai năng lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS), vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan tới việc xác định thông tin TCĐGTS, đấu giá viên bị xử lý vi phạm hành chính; tiêu chí nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm trước liền kề…
Việc thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Việc thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Bên cạnh nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi để các quy định này đảm bảo chặt chẽ, có ý kiến đề xuất thêm chế tài đối với hành vi kê khai gian lận trong hồ sơ năng lực của TCĐGTS và đấu giá viên.

Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 56 về lựa chọn TCĐGTS. Trong quá trình này, Bộ Tư pháp cũng đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 02/2022/TT-BTP để đảm bảo tính tương thích.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật được Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 19/3, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thông tin, qua 2 năm triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP, bên cạnh những kết quả quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho người có tài sản (NCTS) đánh giá, chấm điểm lựa chọn TCĐGTS theo quy định của Luật ĐGTS, việc thực hiện cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Một trong những quy định chưa khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn là quy định về trừ điểm đối với đấu giá viên và TCĐGTS bị xử phạt vi phạm hành chính về ĐGTS (quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Thông tư số 02/2022/TT-BTP). Nội dung này chủ yếu được các TCĐGTS tự kê khai trong hồ sơ năng lực.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, việc trừ điểm trong quá trình lựa chọn TCĐGTS nếu có vi phạm quy định về hoạt động ĐGTS là cần thiết và áp dụng cho các trường hợp vi phạm như: bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS; không thực hiện thông báo công khai việc ĐGTS... Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, thanh tra cho thấy, có nhiều hành vi vi phạm không liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm của TCĐGTS cũng bị trừ điểm như: lập biên bản chưa đúng mẫu, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, chế độ báo cáo chưa đầy đủ… Bên cạnh đó, một số địa phương có ít TCĐGTS nhưng thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, trong khi nhiều địa phương khác (Hà Nội, TP.HCM…) có hàng trăm TCĐGTS lại khó thực hiện thanh kiểm tra tất cả các tổ chức trong một năm. Nhiều TCĐGTS cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các TCĐGTS tại các địa phương.

Theo luật sư, đấu giá viên Đỗ Thị Hồng Hạnh (Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt), trên thực tế rất khó xác minh thông tin TCĐGTS, đấu giá viên có bị xử lý vi phạm hành chính hay không. Theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, lĩnh vực ĐGTS không thuộc phạm vi phải công bố công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Mặt khác, doanh nghiệp đấu giá được hành nghề trên phạm vi cả nước, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Để tránh việc cạnh tranh thiếu công bằng, bà Hạnh cho rằng, quy định này nên được sửa đổi theo hướng chỉ các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và bị hủy kết quả đấu giá thì bị trừ điểm, còn các vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, không gây thiệt hại, không bị hủy kết quả đấu giá thì không bị trừ điểm.

Bên cạnh nội dung trên, việc TCĐGTS hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những tiêu chí thể hiện rõ ràng nhất năng lực của TCĐGTS. Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP, tiêu chí “nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm trước liền kề, trừ thuế giá trị gia tăng” với mức 200 triệu đồng trở lên được đánh giá mức điểm tối đa là 5 điểm. Trên thực tế, quy định này đang bị các TCĐGTS lợi dụng để được hưởng ưu thế khi kê khai cả những khoản đóng góp ngân sách nhà nước không đúng bản chất: nộp thuế trước bạ, nộp thuế mua xe ô tô… mà không phải là khoản nộp thuế trên lợi nhuận của doanh nghiệp. Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 02/2022/TT-BTP bổ sung tiêu chí này theo hướng “thông tin nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước được tính theo báo cáo quyết toán thuế do cơ quan thuế xác nhận”.

Bà Phan Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Thiên Bình cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung tiêu chí này, cần quy định mức điểm đạt tối thiểu là không nợ thuế và không nợ ngân sách nhà nước. Bởi trong quá trình hoạt động, sẽ có trường hợp các doanh nghiệp đấu giá mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu; với những doanh nghiệp hoạt động lâu năm thì lại có những vấn đề cần tái đầu tư để hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, quy mô lớn hơn, các chi phí khấu hao này được tính giảm trừ trong thuế thu nhập vì đây là những chi phí hợp lý, hợp lệ. Do đó, nên quy định việc nộp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước là điểm khuyến khích và điểm này có thể để NCTS được quyền quyết định.

Liên quan tới chế tài đối với các TCĐGTS kê khai không đúng trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn TCĐGTS, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group chia sẻ, Thông tư số 02/2022/TT-BTP quy định, nếu TCĐGTS cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ thì NCTS từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ của TCĐGTS đó. Thực tế, có những doanh nghiệp năm 2021, 2022 không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng trong hồ sơ luôn khai đã nộp thuế đủ 200 triệu đồng để có tối đa 5 điểm trong bảng tiêu chí chấm điểm, khi có đơn tố cáo, cơ quan công an vào cuộc mới phát hiện ra. Khi đó, NCTS chỉ biết căn cứ vào thời điểm ký hợp đồng, chưa tổ chức đấu giá thì mới từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ… Từ thực tế này, vị đại diện trên cho rằng, cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn với trường hợp gian lận, không trung thực của TCĐGTS (trong quy định của Luật ĐGTS).

Chuyên đề